Thời sự
Cập nhật lúc 12:22 10/01/2025 (GMT+7)
Mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu tạo gánh nặng thuế lớn

Mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời và biểu thuế lũy tiến bất hợp lý đang tạo gánh nặng lớn cho thuế thu nhập cá nhân, cần điều chỉnh gấp.

Mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu tạo gánh nặng thuế lớn
Các chuyên gia nhận định, với quy định cộng dồn CPI 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, chính sách này đã lạc hậu, không theo kịp tốc độ thay đổi của nền kinh tế và chi phí sống. Ảnh: Cục Thuế tỉnh Bắc Giang

Mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời

Chị Ngọc Lan, 34 tuổi, sống ở Hà Nội, với thu nhập gia đình 40 triệu đồng mỗi tháng, nhưng sau khi trừ chi phí sinh hoạt, chị không thể tiết kiệm, "cuối tháng là hết sạch".

Chị kể, sau khi trừ tiền thuê nhà 7 triệu đồng, học phí cho hai con 8 triệu đồng, và chi phí sinh hoạt hàng ngày, gia đình chị chỉ còn lại một khoản nhỏ để dành cho những việc bất ngờ như ốm đau. “Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng mỗi người quá thấp so với thực tế chi tiêu” - chị Lan chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI từ năm 2020 đến nay tăng hơn 15%, trong khi mức giảm trừ gia cảnh vẫn "đóng băng" từ 7.2020. Điều này khiến người lao động như chị Lan phải chịu mức thuế lũy tiến cao hơn, dù giá cả nhiều loại hàng hóa có xu hướng tăng lên.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, nhận định: “Với quy định cộng dồn CPI 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, chính sách này đã lạc hậu, không theo kịp tốc độ thay đổi của nền kinh tế và chi phí sống. Từ năm 2020 đến nay, giá cả tăng không ngừng, nhưng mức giảm trừ vẫn cố định là một bất hợp lý”.

Biểu thuế lũy tiến: Áp lực đè nặng nhóm thu nhập trung bình

Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến với 7 bậc thuế hiện nay cũng tạo ra nhiều bất cập.

Anh Minh Hoàng, 28 tuổi, kỹ sư phần mềm tại TP Hà Nội chia sẻ: “Thu nhập của tôi vừa chạm mức 18 triệu đồng thì phải chịu thuế suất 15%. Trong khi chi phí thuê nhà, ăn uống và gửi tiền về quê mỗi tháng đã ngốn hết hơn 70% lương”.

Biểu thuế hiện nay, với các bậc thuế cao như 25% cho thu nhập trên 32 triệu đồng, khiến nhiều người rơi vào tình huống: Thu nhập tăng nhưng áp lực thuế lại lớn hơn.

Các chuyên gia cho rằng, biểu thuế quá nhiều bậc không chỉ gây khó khăn cho người nộp thuế mà còn tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các bậc.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, khoảng cách giữa các bậc thuế, đặc biệt từ bậc 4 đến bậc 5 (18 triệu đồng đến 32 triệu đồng), là một gánh nặng vô hình, khiến thu nhập thực của người lao động không được cải thiện đáng kể.

Số thu thuế thu nhập cá nhân qua các năm. Nguồn: Bộ Tài chính.  Biểu đồ: Minh Ánh
Số thu thuế thu nhập cá nhân qua các năm. Nguồn: Bộ Tài chính. Biểu đồ: Minh Ánh

Cách nào giải quyết bất cập?

Trở lại câu chuyện của chị Ngọc Lan, chị từng hy vọng sẽ có chính sách giảm trừ linh hoạt hơn, chẳng hạn như cho phép khấu trừ lãi vay mua nhà hoặc chi phí học phí, chữa bệnh. “Gia đình tôi đang trả góp mua một căn hộ nhỏ, nhưng khoản lãi vay không được trừ vào thu nhập tính thuế. Trong khi đó, các khoản chi phí như học thêm, khám chữa bệnh cho con đều không được giảm trừ” - chị nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã lạc hậu quá lâu so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và mức sống của người dân. “Trong khi chờ sửa đổi luật, cần cấp bách điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay để giảm bớt khó khăn cho người lao động” - ông Long nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khác như TS Nguyễn Ngọc Tú và PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cách tính thuế thu nhập cá nhân cần được đổi mới, bám sát nguyên tắc "thu trừ chi". Nghĩa là, các khoản chi phí thiết yếu như học phí, khám chữa bệnh, và lãi vay mua nhà nên được trừ trước khi tính thuế, giống như cách thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng.

Bên cạnh đó, ông Tú đề xuất mức giảm trừ gia cảnh nên được gắn với mức lương tối thiểu vùng, thay vì neo theo CPI.

* Những bất cập trong chính sách thuế TNCN hiện nay
Mức giảm trừ gia cảnh:

Hiện tại: 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân; 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc.
Thời điểm áp dụng: Từ tháng 7.2020.
CPI giai đoạn 2020-2024: Tăng hơn 15%, nhưng mức giảm trừ chưa được điều chỉnh.

Biểu thuế lũy tiến:
Gồm 7 bậc thuế, chênh lệch lớn giữa các bậc cao.
Áp lực thuế tăng mạnh với nhóm thu nhập trung bình.

Khấu trừ chi phí:
Chưa cho phép trừ các khoản chi phí thiết yếu như lãi vay mua nhà, học phí, và tiền chữa bệnh.

* Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh

Tại họp báo ngày 7.1.2025, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thuế (Bộ Tài chính) - cho biết, CPI có thể biến động mạnh trong năm 2025, và Bộ Tài chính sẽ đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà không cần sửa Luật Thuế Thu nhập Cá nhân. Dự kiến, kỳ họp tháng 10 sẽ xem xét vấn đề này, đồng thời Bộ Tài chính đang rà soát và dự định sửa đổi Luật trong năm 2025.

https://laodong.vn/kinh-doanh/muc-giam-tru-gia-canh-lac-hau-tao-ganh-nang-thue-lon-1447903.ldo

Minh Ánh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: