Luật gọn hơn nhưng chất lượng phải tốt hơn
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có những nội dung mang tính chất "đột phá" trong quy trình làm luật.
Một trong các dự án Luật quan trọng sẽ được Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khoá XV thảo luận là dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án Luật này được đánh giá là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến việc xây dựng, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ Tư pháp đã tập trung tối đa mọi nguồn lực để nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, tuy nhiên để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật hiện hành.
"Hiện nay, dự thảo Luật được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), trong đó có sự đổi mới rất căn bản, có những nội dung mang tính chất “đột phá” trong quy trình làm luật, Luật gọn hơn nhưng chất lượng phải tốt hơn, đây là yêu cầu xuyên suốt quá trình xây dựng dự thảo này" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho hay.
Một vấn đề mới được đề cập trong dự thảo luật là vấn đề về "tham vấn chính sách".
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Ban soạn thảo đã nghiên cứu những giải pháp để thúc đẩy chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó “chính sách phải ra chính sách”, chính sách phải hợp với lòng dân, chính sách có đúng, có “trúng” thì quy phạm hóa chính sách thành đạo luật, thành văn bản luật mới có chất lượng.
Chính vì thế, trong dự thảo Luật lần này có quy định về tham vấn chính sách. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp thứ 42 ngày 5.2.2025, theo đó, Ban soạn thảo đã làm rõ được khái niệm nội hàm tham vấn chính sách, đó là việc cơ quan xây dựng chính sách trực tiếp làm việc với các cơ quan, tổ chức, trong đó có những cơ quan, tổ chức mà được luật quy định cụ thể, để trao đổi về các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc của quy định pháp luật hiện hành, ảnh hưởng đến sự phát triển, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, trao đổi về những ý tưởng kiến tạo phát triển, khơi thông nguồn lực, những vấn đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy làm luật.
"Vấn đề tham vấn chính sách được các nước làm rất phổ biến, ở Việt Nam đến nay vấn đề này mới được quy định chính thức trong dự thảo Luật. Tôi cho rằng đây là một quy định mới, rất thực tiễn và thể hiện tính ưu việt, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cơ quan nghiên cứu chính sách trong triển khai tới đây.
Từ đó, chính sách sẽ thực sự trở thành những giải pháp hợp lòng dân, phù hợp với các mục tiêu phát triển, tạo ra sự đồng thuận, tạo thuận lợi trong việc thu hút mọi nguồn lực trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Quy định pháp luật được ban hành sẽ phù hợp với “ý Đảng, lòng dân” và phát huy sự điều chỉnh trong đời sống xã hội" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết.
https://laodong.vn/thoi-su/luat-gon-hon-nhung-chat-luong-phai-tot-hon-1462004.ldo
TRÍ MINH (BÁO LAO ĐỘNG)