Thời sự
Cập nhật lúc 09:50 03/07/2025 (GMT+7)
Luật Đường sắt mới có nhiều quy định về đường sắt tốc độ cao

Quốc hội vừa thông qua Luật Đường sắt sửa đổi, trong đó có nhiều quy định đường sắt tốc độ cao.

Luật Đường sắt mới có nhiều quy định về đường sắt tốc độ cao
Đồ họa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa tạo bởi AI

Luật Đường sắt sửa đổi gồm 4 chương, 59 Điều, quy định về hoạt động đường sắt; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường sắt. Luật Đường sắt mới có hiệu lực từ 1.1.2026.

Trong Luật Đường sắt sửa đổi có quy định về đường sắt tốc độ cao như sau:

Điều 7 quy định phân loại đường sắt và cấp kỹ thuật đường sắt quy định:

Hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm:

Đường sắt quốc gia là đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước và liên vận quốc tế.

Đường sắt địa phương là đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải của địa phương và vùng kinh tế. Đường sắt đô thị là một loại hình của đường sắt địa phương phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở khu vực đô thị và vùng phụ cận.

Đường sắt chuyên dùng là đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.

Cấp kỹ thuật đường sắt được xác định theo tiêu chuẩn quốc gia; việc tổ chức xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn về cấp kỹ thuật đường sắt thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cấp kỹ thuật đường sắt bao gồm:

Đường sắt có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên là đường sắt tốc độ cao;

Đường sắt có tốc độ thiết kế dưới 200 km/h được phân thành các cấp I, II, III, IV.

Khoản 6 Điều 52 Luật Đường sắt quy định về quản lý an toàn đường sắt, trong đó có quy định về đường sắt tốc độ cao. Chi tiết như sau:

Đường sắt tốc độ cao, đường sắt cấp I, đường sắt đô thị xây dựng mới hoặc nâng cấp trước khi đưa vào khai thác phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Chủ đầu tư dự án phải lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập với các đơn vị tư vấn dự án, nhà thầu thi công xây dựng, cung cấp thiết bị của dự án để tổ chức đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống;

Đường sắt tốc độ cao thuộc đối tượng được bảo vệ như công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, phải có quy trình vận hành, bảo trì hệ thống quản lý an toàn nghiêm ngặt do cơ quan quản lý, vận hành xây dựng, trình Bộ Xây dựng quyết định;

Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác đường sắt phải xây dựng, công bố công khai và duy trì hệ thống quản lý an toàn vận hành.

Luật Đường sắt sửa đổi cũng nghiêm cấm các hành vi: Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; gây rối trật tự an toàn giao thông đường sắt. Lấn, chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; tự mở lối đi qua đường sắt khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nghiêm cấm làm sai lệch, che lấp hệ thống báo hiệu, tín hiệu giao thông đường sắt. Tự ý báo hiệu hoặc sử dụng các thiết bị để dừng tàu, trừ trường hợp phát hiện có sự cố gây mất an toàn giao thông đường sắt.

Luật cũng nghiêm cấm các hành vi: tự ý để chướng ngại vật, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất độc hại trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt. Điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định. Nhân viên đường sắt trong khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trong cơ thể có chất ma túy hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

https://laodong.vn/xa-hoi/luat-duong-sat-moi-co-nhieu-quy-dinh-ve-duong-sat-toc-do-cao-1533790.ldo

Xuyên Đông (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: