Loạt công nghệ hiện đại tại Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội
Hà Nội - Tại Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội có các studio thu - phát sóng trực tiếp, hệ thống lưu trữ dữ liệu số hóa...
Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Linh
Chiều 9.5, tại Cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số Thành phố (số 17 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội), UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội. Đây là bước tiến chiến lược trong quá trình chuyển đổi số, cải cách hành chính và minh bạch hóa công tác cung cấp thông tin cho báo chí, người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin truyền thông trong kỷ nguyên số, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời, thành phố đã quyết định xây dựng một Trung tâm Báo chí Thủ đô chuyên nghiệp, hiện đại, đa năng và ứng dụng, tích hợp công nghệ số trong hoạt động truyền thông.
Đây sẽ là đầu mối tập trung tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin từ các cơ quan hành chính nhà nước thành phố, đồng thời là diễn đàn kết nối giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố với các cơ quan thông tấn báo chí và người dân, doanh nghiệp.
"Việc khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội, một thiết chế báo chí - truyền thông mới, hiện đại là cam kết mạnh mẽ từ chính quyền thành phố trong lộ trình xây dựng nền hành chính công khai - minh bạch - hiện đại; là hành động thiết thực hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp và cộng đồng báo chí - truyền thông trong và ngoài nước" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Linh
Trong thời gian tới, để Trung tâm Báo chí Thủ đô hoạt động thực sự hiệu quả, xứng tầm với vai trò và kỳ vọng đặt ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối, thông tin được chia sẻ minh bạch - chính xác - kịp thời.
Thứ hai, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải xác định truyền thông là một phần trong công cụ quản trị. Không né tránh truyền thông, mà chủ động hợp tác, cung cấp thông tin, đối thoại và xử lý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Thứ ba, Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số - đơn vị vận hành - cần giữ vững tính chuyên nghiệp, khách quan, không ngừng đổi mới, sáng tạo để Trung tâm trở thành đầu mối tích hợp thông tin và lan tỏa những giá trị trung thực.
Thứ tư, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương từ nay có thể coi Trung tâm Báo chí Thủ đô là “văn phòng làm việc thứ hai” của mình.
"Tôi mong rằng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp và tình yêu Hà Nội để đồng hành cùng thành phố xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển bền vững" - ông Trần Sỹ Thanh cho biết.
Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội được đầu tư đồng bộ với không gian tác nghiệp mở, linh hoạt, phù hợp với nhiều loại hình báo chí (viết, ảnh, truyền hình, đa phương tiện). Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Mạng truyền dẫn tốc độ cao, hệ thống lưu trữ dữ liệu số hóa, trung tâm điều phối thông tin, các studio thu - phát sóng trực tiếp, thiết bị hội nghị truyền hình, bảng điện tử cập nhật dữ liệu theo thời gian thực...
Đặc biệt, Trung tâm Báo chí Thủ đô hướng tới tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát vào ra, giám sát xu hướng, phân tích thông tin trên không gian mạng, hệ thống cảnh báo tin giả, công cụ phân tích dữ liệu lớn để đánh giá mức độ lan tỏa của các chủ đề truyền thông. Đây là bước khởi đầu cho việc xây dựng một hệ sinh thái truyền thông mở, thông minh, thân thiện với người dùng và báo chí.
https://laodong.vn/xa-hoi/loat-cong-nghe-hien-dai-tai-trung-tam-bao-chi-thu-do-ha-noi-1504201.ldo
KHÁNH AN (BÁO LAO ĐỘNG)