Thời sự
Cập nhật lúc 04:10 04/07/2025 (GMT+7)
Đề xuất doanh nghiệp mỹ phẩm phải kiểm nghiệm ít nhất 6 tháng/lần

Đó là đề xuất của Bộ Y tế khi xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm. Song, VCCI cho rằng, việc kiểm nghiệm sau lưu thông tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đề xuất doanh nghiệp mỹ phẩm phải kiểm nghiệm ít nhất 6 tháng/lần
Thời gian qua, lực lượng thanh tra Bộ Y tế, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm vi phạm, do đó, khi xây dựng Nghị định về quản lý mỹ phẩm, Bộ Y tế đề nghị tăng cường hậu kiểm. Ảnh: DMS

Kiểm nghiệm sau lưu thông tạo gánh nặng chi phí lớn cho doanh nghiệp

Góp ý dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm đang được Bộ Y tế xin ý kiến, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định tại Điều 63.9 yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm nghiệm sản phẩm tối thiểu 6 tháng/lần tại hệ thống kiểm nghiệm Nhà nước là không cần thiết, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy.

Theo VCCI, mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm đã được thực thi hiệu quả thông qua Giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP-ASEAN). Tất cả sản phẩm mỹ phẩm phải được sản xuất theo tiêu chuẩn CGMP-ASEAN, đồng thời thực hiện đánh giá độ ổn định để đảm bảo chất lượng, an toàn trong suốt thời gian sử dụng.

Dự thảo cũng đã quy định rõ tại Điều 52.11: nếu sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn CGMP-ASEAN, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Phiếu công bố. Do vậy, việc bổ sung thêm yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông là dư thừa, không cần thiết.

Về tính hiệu quả, việc kiểm nghiệm được thực hiện trên mẫu do chính doanh nghiệp gửi đi, dẫn đến nguy cơ không phản ánh đúng chất lượng sản phẩm thực tế trên thị trường.

Cách tiếp cận này được cho là đi ngược với xu hướng quản lý hiện đại, khi nhiều quốc gia thuộc EU và ASEAN đã chuyển sang hậu kiểm khách quan, thông qua lấy mẫu trực tiếp từ thị trường và áp dụng hệ thống phân loại rủi ro. Đây là phương pháp giúp nâng cao hiệu quả giám sát thực chất, thay vì kiểm nghiệm hình thức.

Về tính thống nhất chính sách, theo VCCI, việc chỉ công nhận kết quả kiểm nghiệm của hệ thống nhà nước bị cho là gây ra sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và nhà nước, đi ngược tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, vốn nhấn mạnh nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Nếu bắt buộc áp dụng quy định này, hệ thống kiểm nghiệm nhà nước có thể bị quá tải nghiêm trọng khi phải xử lý hàng triệu mẫu mỗi năm. Từ các phân tích trên, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định kiểm nghiệm sản phẩm sau lưu thông.

Về hiệu lực công bố và thủ tục gia hạn

Dự thảo quy định thời hạn hiệu lực công bố sản phẩm mỹ phẩm là 3 năm (Điều 7.3), rút ngắn gần một nửa so với quy định hiện hành (5 năm). VCCI cho rằng quy định này chưa làm rõ được mục tiêu chính sách trong khi làm gia tăng đáng kể gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp, bởi các thay đổi thông tin sản phẩm vốn đã phải thực hiện công bố mới hoặc cập nhật theo quy định hiện hành. Do vậy, đề nghị giữ nguyên hiệu lực công bố là 5 năm.

Đáng chú ý, thủ tục gia hạn hiện nay cũng bị đánh giá là gây phiền hà. Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp thực hiện lại thủ tục tương tự như công bố mới, kể cả khi không có thay đổi quan trọng. VCCI cảnh báo điều này không chỉ gia tăng chi phí tuân thủ mà còn gây tồn đọng hồ sơ, ảnh hưởng tới nguồn cung sản phẩm.

Từ thực tế quản lý, VCCI đề xuất chuyển sang cơ chế tự động gia hạn công bố, tương tự như quy định hiện hành trong lĩnh vực dược. Điều 56.8.c Luật Dược sửa đổi năm 2024 cho phép tự động gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cho đến khi có quyết định khác từ Bộ Y tế.

Lĩnh vực mỹ phẩm có mức độ rủi ro thấp hơn, nên hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế tương tự. Tại khu vực ASEAN, nhiều nước cũng đang áp dụng cơ chế tự động gia hạn nếu nội dung hồ sơ không thay đổi.

Theo Điều 7.1.b, doanh nghiệp phải công bố lại sản phẩm nếu có thay đổi nội dung hồ sơ, bao gồm cả việc thay đổi địa chỉ do điều chỉnh địa giới hành chính. VCCI cho rằng đây là yếu tố khách quan, không làm thay đổi thực tế sản xuất, do vậy không cần thiết phải yêu cầu công bố lại. Ở các lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, thuế, việc cập nhật địa chỉ chỉ thực hiện khi có thay đổi đồng thời về nội dung quan trọng khác.

Tương tự, quy định bắt buộc công bố lại khi bổ sung cơ sở nhập khẩu cũng bị cho là chưa hợp lý. Thay đổi nhà nhập khẩu không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, trong khi lại cần thiết để doanh nghiệp kịp thời thích ứng với thị trường. VCCI kiến nghị cho phép doanh nghiệp bổ sung thông tin cơ sở nhập khẩu vào Phiếu công bố trong vòng 1 tháng, thay vì buộc phải thực hiện công bố lại.

https://laodong.vn/kinh-doanh/de-xuat-doanh-nghiep-my-pham-phai-kiem-nghiem-it-nhat-6-thanglan-1534721.ldo

Anh Tuấn (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: