Thời sự
Cập nhật lúc 08:28 15/04/2025 (GMT+7)
Không biết thì không quản, một tinh thần cởi mở từ Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho sự phát triển, thực hiện "không biết thì không quản".

Không biết thì không quản, một tinh thần cởi mở từ Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho sự phát triển, thực hiện "không biết thì không quản". Ảnh: VGP

Ngày 13.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4.2025 để xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu cần có chính sách vượt trội so với pháp luật hiện hành tại Việt Nam và so với thông lệ quốc tế.

Trong đó, một điểm chỉ đạo rất mới về quan điểm là thực hiện “không biết thì không quản“.

“Không biết thì không quản” thể hiện quan điểm chính quyền cần cởi mở trong xử lý những lĩnh vực mới chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật.

Cụm từ này gợi mở một cách tiếp cận linh hoạt, khuyến khích tìm hiểu và thử nghiệm, thay vì "cấm đoán ngay", đối với những mô hình, công nghệ và thị trường mới mẻ.

Tinh thần “không biết thì không quản” trước hết sẽ tạo điều kiện cho sự sáng tạo bứt phá.

Thực tế cho thấy, ở một số lĩnh vực mới như công nghệ tài chính (fintech), kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo (AI), hay chuỗi khối (blockchain)…, chính sách của Việt Nam thường lúng túng vì thiếu khung pháp lý truyền thống.

Nhiều sản phẩm hoặc mô hình phát triển mạnh trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được phép hoạt động hoặc bị hạn chế nghiêm ngặt.

Việc đặt ra một “chế độ thí điểm” hay cho phép vận hành trong giới hạn nhất định giúp Nhà nước vừa kiểm soát rủi ro, vừa thu thập dữ liệu để hiểu rõ bản chất, từ đó điều chỉnh quy định một cách phù hợp.

Tinh thần “không biết thì không quản” - một quan điểm mới - còn giúp tránh tình trạng “không quản được thì cấm” được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian gần đây.

Việc khuyến khích khám phá, tránh cấm đoán ngay để đảm bảo an toàn cũng tạo tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Bởi một môi trường pháp lý "biết lắng nghe" và sẵn sàng thích ứng với cái mới là yếu tố cơ bản để thu hút dòng vốn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp sẽ không e ngại đầu tư, vì họ tin rằng cơ quan quản lý có tư duy cởi mở, không áp đặt những rào cản phi lý.

Tất nhiên, “không biết thì không quản” không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý.

Chính quyền vẫn có thể xây dựng các cơ chế giám sát và đảm bảo an toàn, ví dụ như ban hành thời gian thử nghiệm giới hạn, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo định kỳ hoặc thiết lập mức bảo đảm tài chính tối thiểu.

Với nguyên tắc “không biết thì không quản,” Nhà nước sẽ đóng vai trò "bà đỡ" cho những ý tưởng và công nghệ mới, cho phép chúng có không gian phát triển và được đánh giá trong thực tiễn.

Tư duy này sẽ góp phần hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy sức sống, tạo nền tảng đưa đất nước tiến xa hơn trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-biet-thi-khong-quan-mot-tinh-than-coi-mo-tu-thu-tuong-1491076.ldo

Hoàng Văn Minh (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: