Thời sự
Cập nhật lúc 01:59 13/02/2025 (GMT+7)
Giáo viên kêu khó đăng ký kinh doanh để dạy thêm

Nhiều thầy cô lúng túng, gặp khó trong việc đăng ký kinh doanh để dạy thêm hợp pháp, đúng quy định.

Giáo viên kêu khó đăng ký kinh doanh để dạy thêm
Sau khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29, nhiều giáo viên dừng dạy thêm để hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh theo đúng quy định. Ảnh minh họa: Vân Trang

Từ ngày 14.2, khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có hiệu lực, giáo viên khi dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.

Việc làm sao để tiếp tục dạy thêm mà không vi phạm các quy định pháp luật khiến nhiều thầy cô băn khoăn. Cô Nguyễn Thùy Linh (41 tuổi, giáo viên Tiếng Anh THCS trên địa bàn quận Hải An, Hải Phòng) không phải ngoại lệ.

Trước kia, cô Linh mở 2 lớp dạy thêm tại nhà, quy mô khoảng 20 học sinh/lớp. Sau khi Thông tư 29 được ban hành, cô Linh tạm dừng các lớp dạy thêm để tìm hiểu các quy định, thủ tục đăng ký kinh doanh.

"Theo quy định mới, giáo viên không được dạy thêm có thu phí với học sinh của mình trên lớp. Như vậy, số lượng học sinh tôi có thể tiếp cận sẽ rất ít để mở được trung tâm” - cô Linh chia sẻ và cho rằng, khó khăn lớn của cô khi muốn mở hộ kinh doanh dạy thêm liên quan đến quy định về người có quyền thành lập và điều hành, quản lý doanh nghiệp.

“Theo dõi các diễn đàn trao đổi về giáo dục, tôi mới biết giáo viên các trường công lập không thể đứng tên hộ kinh doanh cũng như điều hành trung tâm. Như vậy, thực tế giáo viên như tôi không thể tự mình đăng ký mà buộc phải liên kết với cá nhân, tổ chức khác đứng ra mở và sẽ chỉ được dạy trên danh nghĩa hợp đồng” - cô Thùy Linh trăn trở.

Vì quá nhiều thủ tục rắc rối và khó tiếp cận, sau cùng, cô Linh quyết định ký kết hợp đồng với một trung tâm đã hoạt động trên địa bàn từ trước. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa cô phải khấu trừ 30% tiền dạy cho trung tâm.

“Các trung tâm đang rất mong muốn thầy cô ký kết hợp đồng vì đã có lượng học sinh nhất định từ trước. Giáo viên vẫn được quyền quyết định học phí, miễn là đóng lại phần trăm cho họ. Đúng hơn, có thể ví việc này giống như đang thuê địa điểm dạy học” - cô Thùy Linh nói thêm.

Bắt đầu từ tuần này, cô Phan Ngọc Mai - giáo viên Ngữ văn THPT trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội - cũng tạm dừng các lớp học.

“Tôi và đồng nghiệp đang rất hoang mang. Chưa có hướng dẫn cụ thể khiến chúng tôi rất loay hoay và không biết phải làm gì để được tiếp tục dạy thêm” - cô Mai chia sẻ.

Theo cô Mai, tại địa phương không có sẵn các trung tâm dạy thêm môn Ngữ văn. Hiện tại, nếu muốn tiếp tục dạy thêm, cô chỉ có thể tìm cách để đăng ký kinh doanh.

“Với việc không được đứng tên hộ kinh doanh và quản lý trung tâm, chúng tôi đã bàn nhau liên hệ một người quen có cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng về phòng học, ánh sáng, phòng cháy chữa cháy... đứng ra mở. Còn thầy cô sẽ giảng dạy dưới hình thức hợp đồng” - cô Ngọc Mai cho biết.

Tuy nhiên, ngay cả khi có một trung tâm đảm bảo được đầy đủ các yếu tố như vậy, cô Mai vẫn chưa thể bắt đầu dạy thêm trở lại nếu thiếu xác nhận của lãnh đạo nhà trường.

“Giáo viên các trường công lập nếu muốn dạy thêm phải có xác nhận của Sở GDĐT hoặc hiệu trưởng, giống như một người đứng ra đảm bảo năng lực chuyên môn cho mình. Thế nhưng, rất khó để tự nhiên lãnh đạo nhà trường chấp nhận việc này khi họ có thể vướng vào những rắc rối không đáng có” - cô Ngọc Mai chia sẻ.

Hiện tại, cô đang chờ những hướng dẫn cụ thể để có thể tìm phương án tiếp tục dạy học sinh theo đúng quy định.

Ngày 11.2, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương có văn bản đề nghị Phòng GDĐT, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30.12.2024 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Sở cũng yêu cầu địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy học thêm theo đúng quy định.

"Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, phải thông tin kịp thời về Sở GDĐT thông qua phòng Giáo dục trung học" - văn bản của Sở nêu.

https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-keu-kho-dang-ky-kinh-doanh-de-day-them-1461858.ldo

VĂN CƯƠNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: