Giám đốc Sở Nông nghiệp Môi trường Hà Nội nói về việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô
Để giảm ô nhiễm không khí, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho rằng, cần có kế hoạch di dời các cơ sở công nghệ sản xuất lạc hậu ra khỏi nội đô.
Nhà máy thuốc lá Thăng Long trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội đã hoàn thành công tác di dời. Ảnh: Khánh Linh
Tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 nói về các giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội và cả nước, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, dù đã xác định rõ nguồn phát thải và giải pháp, nhưng trong quá trình triển khai, vẫn còn nhiều vướng mắc.
Một ví dụ cụ thể là giao thông: Theo số liệu đăng ký, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu phương tiện, nhưng thực tế lên tới hơn 8 triệu, chưa kể số lượng phương tiện từ các địa phương khác vào thành phố giao thương mỗi ngày - tạo áp lực rất lớn.
"Nếu chúng ta chỉ đưa ra mệnh lệnh hành chính kiểu như đến năm 2030 toàn bộ phương tiện phải sử dụng điện, hoặc chuyển đổi sang nhiên liệu xanh, sạch thì sẽ không khả thi.
Bởi lẽ, phương tiện giao thông không đơn thuần chỉ để di chuyển mà còn là công cụ mưu sinh của người dân. Dù Hà Nội không còn hộ nghèo, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ khó khăn. Nếu áp dụng giải pháp cấm đoán đơn thuần, sẽ gây hệ lụy xã hội", ông Đại nêu rõ.
Theo ông, để có môi trường sạch thì phải đầu tư. Để có đầu tư hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể và rõ ràng. "Việc kêu gọi xã hội hóa chỉ thu hút được một số doanh nghiệp, trong vài lĩnh vực nhất định.
Do vậy, cần hoàn thiện thể chế theo hướng quy định mức hỗ trợ cụ thể - ví dụ: hỗ trợ bao nhiêu phần trăm cho người dân khi chuyển đổi xe xăng sang xe điện; bao nhiêu phần trăm khi chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, xanh", ông đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà
Bên cạnh khí thải từ giao thông, bụi đường cũng đến từ hoạt động phá dỡ công trình xây dựng. Trung bình mỗi ngày, TP Hà Nội phát sinh khoảng 2.800 tấn chất thải xây dựng, có ngày lên tới 3.000 tấn. Thành phố đang xây dựng kế hoạch bố trí 26 khu vực để tiếp nhận chất thải phá dỡ, từ nhà dân đến công trình lớn, bắt buộc phải có phương án xử lý rõ ràng.
"Chúng tôi yêu cầu phương án phải nêu rõ vật liệu phá dỡ được chuyển đi đâu, tái chế thế nào, đảm bảo phun nước, che chắn khi tháo dỡ… Tuy nhiên, thực tế giá đất thuê để làm những loại hình này rất cao. Cần có cơ chế hỗ trợ về đất đai, trợ giá xử lý và sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho vật liệu xây dựng tái chế - cái gì đủ điều kiện làm vật liệu xây dựng, cái gì chỉ phù hợp cho san lấp, làm đường giao thông", ông Đại kiến nghị.
Về việc di dời các nhà máy khỏi khu dân cư, ông cho biết Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách và triển khai quyết liệt, nhưng vẫn gặp không ít rào cản.
Theo ông, "muốn di chuyển nhà máy khỏi nơi có lợi thế kinh doanh, cần có cơ chế ưu đãi, miễn giảm chi phí trong bao nhiêu năm để khuyến khích doanh nghiệp.
Đồng thời, phải có chế tài dứt khoát với quỹ đất sau di dời: Nhà nước phải thu hồi lại, không để các đơn vị giữ đất rồi liên doanh, liên kết làm chậm trễ việc di dời".
Về xử lý rác thải, ông Đại cho biết Hà Nội hiện phát sinh khoảng 8.000 tấn rác/ngày. Thành phố đang vận hành hai nhà máy đốt rác phát điện tại Sóc Sơn và Sơn Tây, cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư thêm hai nhà máy nữa nhằm giảm chi phí xử lý. Đặc biệt, khối lượng rác đã chôn lấp từ nhiều năm qua lên tới khoảng 30 triệu tấn - thành phố sẽ phải có những chính sách hỗ trợ lớn để bới lên, xử lý và tái sử dụng thông qua công nghệ đốt phát điện.
Hà Nội đang lấy ý kiến về di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô
Về việc di chuyển nhà máy ra khỏi nội đô, hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc "Ban hành Danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô". Sau khi HĐND thành phố thông qua danh mục, UBND thành phố sẽ ban hành quyết định để triển khai thực hiện.
Đối tượng di dời gồm:
Cơ sở sản xuất công nghiệp:
Nằm xen trong khu dân cư hoặc khu phát triển đô thị, không phù hợp quy hoạch và không đảm bảo vệ sinh môi trường, cần được di dời toàn bộ.
Việc di dời phải gắn với đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm các yêu cầu về môi trường nhằm tránh phát tán ô nhiễm từ địa điểm này sang địa điểm khác.
Địa điểm tiếp nhận là các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố. Trường hợp đặc biệt không thể di dời vào các khu này sẽ được UBND Thành phố xem xét cụ thể.
Cơ sở y tế, giáo dục, trụ sở làm việc:
Cơ sở y tế: Ưu tiên di dời các đơn vị có nguy cơ ô nhiễm, lây nhiễm cao, đặc biệt là các cơ sở nằm trong khu dân cư đông đúc hoặc không đạt chỉ tiêu diện tích đất/giường bệnh theo quy chuẩn chuyên ngành.
Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp: Di dời các cơ sở có quy mô đào tạo vượt chỉ tiêu, gây quá tải hạ tầng giao thông – kỹ thuật, không đáp ứng yêu cầu về diện tích đất/sinh viên.
Trụ sở làm việc và cơ sở khác: Cần nâng cấp để đáp ứng các quy chuẩn hiện hành, định hướng phát triển thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo, khám chữa bệnh chất lượng cao theo Quy hoạch chung Thủ đô.
Các cơ sở sau di dời sẽ được bố trí tại các khu giáo dục - đào tạo, khu y tế, khu liên cơ quan tập trung theo quy hoạch thành phố.
Lộ trình thực hiện: Giai đoạn 2026-2027: Hoàn thành công tác rà soát, lập danh mục cơ sở phải di dời; trình HĐND phê duyệt; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ và bố trí quỹ đất phù hợp.
Giai đoạn 2027-2028: Ưu tiên di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm và cơ sở y tế có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời triển khai xây dựng các khu vực tập trung để tiếp nhận cơ sở di dời.
Giai đoạn 2029-2030: Hoàn tất việc di dời và triển khai các dự án cải tạo hạ tầng xã hội, chỉnh trang đô thị tại khu vực đã di dời.
https://laodong.vn/xa-hoi/giam-doc-so-nong-nghiep-moi-truong-ha-noi-noi-ve-viec-di-doi-cac-nha-may-ra-khoi-noi-do-1535334.ldo
Anh Tuấn - Nguyễn Hà (BÁO LAO ĐỘNG)