Thời sự
Cập nhật lúc 05:26 23/05/2025 (GMT+7)
Đề xuất nâng cao đãi ngộ và môi trường làm việc cho điều dưỡng

Cải thiện đãi ngộ và môi trường làm việc giúp nâng cao hiệu quả và giữ chân điều dưỡng, thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế.

Đề xuất nâng cao đãi ngộ và môi trường làm việc cho điều dưỡng
Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện K) Nguyễn Thúy Hồng chăm sóc cho người bệnh. Ảnh: Thế Mạnh

Phát biểu tại Hội thảo Điều dưỡng ung thư toàn quốc lần thứ II do Bệnh viện K phối hợp với Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức ngày 23.5, TS.BS Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của đội ngũ điều dưỡng chuyên ngành ung thư trong các lĩnh vực như xây dựng chính sách, tổ chức quản lý, đào tạo, thực hành và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức hiện còn tồn tại, bao gồm thiếu hụt nhân lực, năng lực chuyên môn chưa đồng đều, chế độ đãi ngộ hạn chế và định kiến xã hội đối với nghề điều dưỡng.

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K - nhấn mạnh, công tác phòng, chống ung thư hiện vẫn là thách thức lớn với y học toàn cầu. Trong đó, điều dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ thực hiện kỹ thuật chuyên môn mà còn hỗ trợ tinh thần, quản lý tác dụng phụ và đồng hành cùng người bệnh trong quá trình điều trị.

d
Hội thảo Điều dưỡng ung thư toàn quốc. Ảnh: Thế Mạnh

“Công việc điều dưỡng đòi hỏi sự nhạy bén, tình cảm và chuyên môn sâu rộng. Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định, dịch vụ chăm sóc của điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế,” GS.TS Lê Văn Quảng phát biểu.

Tại Bệnh viện K, đội ngũ điều dưỡng - những "chiến sĩ" trên tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. ThS. Nguyễn Thúy Hồng - Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện K) - chia sẻ chị đã gắn bó 28 năm với ngành điều dưỡng, đặc biệt trong lĩnh vực ung bướu - thần kinh.

Chị nhấn mạnh điều dưỡng chuyên khoa này có nhiều đặc thù và áp lực hơn, đòi hỏi sự chăm sóc liên tục, cẩn trọng từng phút để không làm ảnh hưởng đến cơ hội điều trị của bệnh nhân.

Chị kể lại nhiều tình huống cấp cứu như bệnh nhân động kinh, khi điều dưỡng xử trí kịp thời và chuyên nghiệp sẽ giúp bệnh nhân nhanh vượt qua cơn nguy hiểm. Chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn và tận tâm chăm sóc để giảm bớt nỗi đau cho người bệnh.

“Nhiều nơi vẫn xem điều dưỡng chỉ là người phục vụ, thực hiện y lệnh bác sĩ. Đào tạo và hành nghề điều dưỡng chưa đáp ứng được thực tiễn và yêu cầu hội nhập,” TS.BS Dương Huy Lương chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh ngành Y tế sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cấp trang thiết bị và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện và phát triển bền vững hệ thống y tế.

Nhân lực điều dưỡng đang thiếu trầm trọng. Số điều dưỡng thiếu hụt gấp đôi bác sĩ. Năm 2024, tại Việt Nam tỉ lệ điều dưỡng ước tính đạt 18/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình trên thế giới.

Báo cáo quy hoạch mạng lưới y tế 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Bộ Y tế đề xuất chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sĩ và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến 2030 đạt 19 bác sĩ và 33 điều dưỡng trên 10.000 dân.

Bộ Y tế dự báo nhu cầu nhân lực y tế sẽ tăng, đặc biệt thiếu hụt điều dưỡng gấp đôi so với bác sĩ sau 2030.

Giai đoạn 2021 - 2030, cả nước cần bổ sung khoảng 173.400 bác sĩ và 313.900 điều dưỡng, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng cần nhiều nhất với 43.500 bác sĩ và 76.100 điều dưỡng

https://laodong.vn/y-te/de-xuat-nang-cao-dai-ngo-va-moi-truong-lam-viec-cho-dieu-duong-1511636.ldo

Hà Lê (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: