Đề xuất mới về các nhiệm vụ của Bộ trưởng và thành viên Chính phủ
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có nêu về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ.
Ngày 16.1, theo tìm hiểu của PV Lao Động, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật đó chính là tách nội dung liên quan tới nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ thành một điều riêng ở chương riêng mà không để chung với quy định về bộ, cơ quan ngang bộ như luật hiện hành.
Tờ trình của Bộ Nội vụ nêu rõ, việc này nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ cùng tập thể Chính phủ tham gia giải quyết nhiệm vụ của Chính phủ (chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội).
Việc này nhằm bảo đảm tách bạch với trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ (chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về kết quả, hiệu lực hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao).
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã có nêu về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ tại Điều 15.
Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
Tham dự phiên họp Chính phủ và tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ; tham gia biểu quyết tại phiên họp Chính phủ, cùng tập thể Chính phủ quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về công việc của Chính phủ và công việc khác có liên quan; chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao.
Thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được Chính phủ phân công hoặc Thủ tướng Chính phủ ủy quyền. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật, việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.
Tại Điều 16 dự thảo Luật có nêu về trách nhiệm của các thành viên khác của Chính phủ.
Đó là: Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý; giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-moi-ve-cac-nhiem-vu-cua-bo-truong-va-thanh-vien-chinh-phu-1450771.ldo
Vương Trần (BÁO LAO ĐỘNG)