Đề nghị địa phương chi tiền dạy thêm cho học sinh cuối cấp
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị địa phương chi tiền dạy thêm cho học sinh cuối cấp. Thông tin này được nhiều phụ huynh, giáo viên ủng hộ.
Giáo viên hướng dẫn học sinh làm thủ tục dự thi lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Vân Trang
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2.
Theo thông tư, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.Có 3 nhóm đối tượng học sinh.
Trước quy định này, nhiều trường dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm, khiến học sinh cuối cấp, phụ huynh lo lắng khi các kỳ chuyển cấp, thi tốt nghiệp xét tuyển đại học chỉ còn vài tháng nữa.
Liên quan đến vấn đề này, trong công văn gửi đến các địa phương về thực hiện Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT nêu rõ quan điểm, các nhà trường phải xác định việc ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh chưa đạt, cuối cấp là trách nhiệm, để các em đạt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tùy thực tế, Bộ GDĐT đề nghị địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các trường làm việc này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ học sinh khó khăn, yếu thế...
Là phụ huynh có con học lớp 12 tại Hà Đông, Hà Nội, chị Vũ Quỳnh Mai hoàn toàn ủng hộ với chỉ đạo mới của Bộ GDĐT.
"Nhu cầu học sinh cuối cấp học thêm là có. Song cũng không thể yêu cầu thầy cô dạy thêm miễn phí. Các tỉnh thành chi trả kinh phí hỗ trợ thầy cô dạy thêm cho học sinh cuối cấp là hoàn toàn hợp lí, nhân văn" - chị Mai chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại kỳ vọng, Thông tư 29 sẽ đem lại nhiều điểm tích cực cho nền giáo dục Việt Nam. Giáo viên sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm trong mỗi giờ học, bản thân phụ huynh cũng phải phối hợp cùng nhà trường, giáo viên trong việc giáo dục con cái.
"Nhiều phụ huynh, học sinh xem nhẹ việc học trên lớp vì nghĩ rằng, chỉ cần đi học thêm con có thể hoàn thành chương trình, vượt qua các kỳ kiểm tra. Điều này cực kỳ nguy hiểm, làm mất dần năng lực tự học của mỗi học sinh" - chị Thủy nói.
Nhiều tỉnh thành đang hoàn thiện quyết định hướng dẫn việc dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 của Bộ GDĐT.
Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình có dự thảo xin ý kiến các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh về việc triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30.12.2024 của Bộ GDĐT, đồng thời đề xuất các quy định bổ sung nhằm quản lý hiệu quả hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo đề xuất, UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, đồng thời báo cáo định kỳ với UBND tỉnh và Sở GDĐT.
Sở GDĐT Thanh Hóa đã hoàn thiện dự thảo, sớm trình UBND tỉnh ra quyết định và hướng dẫn thực hiện.
Còn tại Nghệ An, TS. Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn về hoạt động dạy thêm, học thêm.
https://laodong.vn/giao-duc/de-nghi-dia-phuong-chi-tien-day-them-cho-hoc-sinh-cuoi-cap-1462326.ldo
VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)