Thời sự
Cập nhật lúc 08:47 29/12/2024 (GMT+7)
Đẩy mạnh đào tạo nghề, trao sinh kế cho người dân

Tuyên Quang - Hướng nghiệp, đào tạo nghề được đánh giá là vấn đề cốt lõi trong chính sách giảm nghèo bền vững tại huyện Sơn Dương.

Đẩy mạnh đào tạo nghề, trao sinh kế cho người dân
Các chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề được triển khai rộng rãi. Ảnh: Việt Bắc

Việc vận dụng tối đa nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp huyện Sơn Dương gặt hái những kết quả tích cực. Đời sống của người dân địa phương được cải thiện rõ rệt. Điểm nhấn trong chính sách giảm nghèo nơi đây chính là hướng nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề, trao sinh kế cho người dân.

Năm 2024, huyện Sơn Dương đã mở hơn 18 lớp đào tạo nghề, tổ chức trên 5 phiên giao dịch việc làm. Các phiên giao dịch giúp kết nối việc làm cho hơn 5.367 lao động, vượt 112,9% kế hoạch đề ra.

Từ những lớp đào tạo nghề và phiên giao dịch việc làm, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các đơn vị có nhu cầu tuyển sụng. Khi đã có định hướng nghề nghiệp, kinh tế, đời sống của người dân cũng dần ổn định.

Đời sống người dân được cải thiện từ các chính sách giảm nghèo. Ảnh: Việt Bắc
Đời sống người dân được cải thiện từ các chính sách giảm nghèo. Ảnh: Việt Bắc

Được trao sinh kế để phát triển kinh tế, anh Lý Văn Thể là một trong những hộ dân tiêu biểu thoát nghèo tại thôn Khe Thuyền 3, xã Văn Phú, huyện Sơn Dương. Nhờ tiếp thu các kiến thức, kỹ thuật trồng rừng, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định.

"Trước đây gia đình thuộc diện khó khăn, nhờ những chính sách kịp thời. Được hỗ trợ giống, vật nuôi, truyền đạt các kinh nghiệm nên đã có thể thoát nghèo. Thu nhập hiện có thể trang trải cuộc sống, lo cho gia đình.

Việc tạo sinh kế, trao cần câu cho các hộ nghèo, cận nghèo thực sự có ý nghĩa to lớn. Điều này có thể giúp giảm nghèo bền vững. Mọi người có kiến thức sẽ không để bị tái nghèo. Những người đi trước sẽ hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn vươn lên cuộc sống", anh Thể cho hay.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hoài (xã Tam Đa, huyện Sơn Dương), nhờ tận dụng nguồn vốn vay gia đình đã mạnh dạn trồng cỏ, chăn nuôi bò. Từ đó, kinh tế ổn định giúp đời sống được nâng cao rõ rệt.

"Khi được hỗ trợ vốn vay, gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Giờ đây, cuộc sống đã dần ổn định. Có sinh kế thì việc giảm nghèo sẽ bền vững hơn. Ngoài chăm lo gia đình, nuôi các con ăn học mình còn có thể giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn vươn lên trong cuộc sống.

Thực sự các chương trình này có ý nghĩa rất lớn. Mong sẽ được nhân rộng để tạo nền tảng vững chắc cho người dân giảm nghèo", chị Hoài tâm sự.

Các ngày hội việc làm được triển khai diện rộng. Ảnh: Việt Bắc
Các ngày hội việc làm được triển khai diện rộng. Ảnh: Việt Bắc

Theo ông Giang Tuấn Anh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, dù gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhưng nhờ sự đồng lòng và quyết tâm cao, các chính sách hỗ trợ đã thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cách nghĩ và cách làm của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Dương đặt mục tiêu tạo việc làm cho hơn 16.700 lao động, đào tạo nghề cho trên 7.500 người. Các mô hình kinh tế đặc thù được chú trọng, đảm bảo hỗ trợ thiết thực, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 15% vào cuối năm 2025.

Nhờ những hướng đi đúng đắn, huyện Sơn Dương đã bứt phá trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của xứ Tuyên.

https://laodong.vn/xa-hoi/day-manh-dao-tao-nghe-trao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-1441757.ldo

Lam Thanh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: