Thời sự
Cập nhật lúc 09:02 20/12/2024 (GMT+7)
Cuộc sống mới của viên chức nhà nước sau 6 năm xin nghỉ việc

Để đưa ra quyết định xin nghỉ việc, anh Đào Huy Toàn đã mất nhiều năm trắng đêm suy nghĩ và phải vượt qua sự phản đối kịch liệt của gia đình.

Cuộc sống mới của viên chức nhà nước sau 6 năm xin nghỉ việc
Sau khi xin nghỉ việc, làm chủ cửa hàng tạp hóa, sửa chữa điện thoại giúp anh Toàn chủ động thời gian và có thu nhập ở mức khá. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hạnh phúc với lựa chọn riêng

Hiện nay, anh Đào Huy Toàn (sinh năm 1985, trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là chủ một cửa hàng kinh doanh tạp hóa và sửa chữa điện thoại di động trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Song, ngay cả khi bận rộn đến khuya, anh Toàn cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với lựa chọn năm nào.

6 năm trước, anh Toàn là viên chức kế toán tại một trường tiểu học, đồng thời phụ trách kiêm nhiệm công việc kế toán tại một trường mầm non tại Yên Bái.

Ngoài công việc chuyên môn chính là phụ trách chi trả lương, phụ cấp cho giáo viên và chế độ cho học sinh vùng cao tại điểm 2 trường, anh còn làm các công việc như: Văn thư, tạp vụ, thư viện…

Khi kiêm nhiệm công việc 2 trường học cùng một lúc, anh Toàn thường xuyên phải di chuyển từ địa bàn xã đến huyện Văn Yên. Đường đi ở vùng cao rất khó khăn, đặc biệt nguy hiểm khi trời mưa to, lũ lụt rất dễ gặp sạt lở.

“Kiêm nhiệm như thế, một tháng tôi phải đi mười mấy ngày vì phải giao dịch với các bộ phận ở huyện. Thời điểm đó chưa có Dịch vụ công, công việc vất vả, đi lại nhiều, thuê nhà trọ ở lại nghỉ ngơi, tốn nhiều chi phí” - anh Toàn trải lòng.

Quyết định bổ nhiệm và Quyết định chấm dứt công việc viên chức kế toán của anh Toàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quyết định bổ nhiệm và Quyết định chấm dứt công việc viên chức kế toán của anh Toàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công việc nhiều nhưng mức lương anh Toàn nhận được chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng đã bao gồm tất cả các khoản phụ cấp. Để trang trải cuộc sống trong gia đình, người đàn ông này đã nhận sửa chữa điện thoại tại nhà - điều mà anh phải làm liên tục trong suốt 11 năm 9 tháng công tác ở vị trí viên chức kế toán trường học.

Từng vấp phải tranh cãi với gia đình

Đầu năm 2019, anh Toàn đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên nộp đơn xin nghỉ việc. Sau khi trình bày nguyện vọng của bản thân, anh được lãnh đạo cấp trên động viên tiếp tục ở lại làm việc, nhưng anh đã nung nấu ý định nghỉ việc từ lâu.

Với truyền thống gia đình làm công chức, viên chức, khi có ý định xin nghỉ việc, anh Toàn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ bố. Tuy nhiên, mẹ anh lại ủng hộ quyết định đó, bởi làm giáo viên, bà rất hiểu sự khó khăn, vất vả của viên chức kế toán trường học, trong đó có con trai mình.

“Nhiều đêm thức trắng, tôi cũng đắn đo rất nhiều khi đưa ra quyết định từ bỏ công việc mà mình đã gắn bó và cống hiến nhiều năm. Tôi cũng phải thuyết phục bố đồng ý để cho tôi nghỉ việc, để gia đình không rơi vào cảnh căng thẳng, không thể nói chuyện” - anh Toàn tâm sự.

Cách đây không lâu, anh Toàn đã xây xong căn nhà mới mà không phải chật vật vay mượn tiền bạc. Cuộc sống của gia đình anh chưa phải giàu có nhưng không rơi vào cảnh túng thiếu, vất vả. Công việc kinh doanh tự do cũng giúp anh có thể chủ động về mặt thời gian và các công việc gia đình khác.

Thời điểm này, cả nước vừa tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2024 vừa thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy.

Theo anh Toàn, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy cần có sự dũng cảm, dám "bước ra" của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Anh cũng bày tỏ mong mỏi những người ở lại sẽ có mức lương và chế độ đãi ngộ xứng đáng, để họ chuyên tâm làm việc, tiếp tục cống hiến.

Về xây dựng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định, đã báo cáo cấp có thẩm quyền.

Theo đó, Bộ Nội vụ tham mưu chính sách này với quan điểm và nguyên tắc chung là cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng, đó là nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

https://laodong.vn/thoi-su/cuoc-song-moi-cua-vien-chuc-nha-nuoc-sau-6-nam-xin-nghi-viec-1437756.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: