Cơ hội “làm mới” chính sách thuế thu nhập cá nhân
Việc Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có quy định về mức giảm trừ gia cảnh, để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung là tin vui cho người nộp thuế.
Đây không chỉ là một động thái mang tính cấp thiết mà còn đáp ứng sự mong mỏi, chờ đợi, ủng hộ của đông đảo người dân, vốn đã nhiều lần lên tiếng về những bất cập của chính sách thuế TNCN trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.
Thực tế, việc duy trì mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng (cho người nộp thuế) và 4,4 triệu đồng/tháng (cho mỗi người phụ thuộc) từ năm 2020 đến nay đã gây ra nhiều tranh cãi. Bởi với tốc độ lạm phát và giá cả thị trường biến động mạnh, con số này đã trở nên lạc hậu, khiến người làm công ăn lương thu nhập thấp vẫn phải chịu thuế.
Do đó, đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 16 - 18 triệu đồng/tháng được nhìn nhận là giải pháp phù hợp, khẩn thiết để phản ánh đúng thực tế thu nhập và mức sống của người dân.
Có ý kiến lo ngại rằng việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách từ thuế TNCN. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, một khi thu nhập khả dụng của người dân được cải thiện, họ sẽ có tâm lý tích cực trong chi tiêu, kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đầu tư và gia tăng tuyển dụng.
Kết quả tất yếu là sức mua thị trường được đẩy lên, lợi nhuận của doanh nghiệp đi kèm với sự gia tăng đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, và nhiều khoản thu khác.
Vòng quay kinh tế này không chỉ giúp bù đắp khoản hụt thu từ thuế TNCN mà còn tạo ra nguồn thu ổn định, bền vững hơn cho ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh là một bước điều chỉnh hợp lý, là cú hích tích cực cho cả người lao động, doanh nghiệp lẫn ngân sách.
Đây còn là một cơ hội để “làm mới” chính sách thuế TNCN theo hướng hiện đại, bắt kịp với nhịp sống kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội và công bằng, vừa không triệt tiêu động lực tiêu dùng, sản xuất.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, việc sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh lên khoảng 16 - 18 triệu đồng/tháng, không chỉ mang tính hợp lý mà còn thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân.
Một nền kinh tế vận hành hiệu quả cần đảm bảo chính sách thuế linh hoạt, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, để đảm bảo tổng thể nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của tiêu dùng nhưng người nộp thuế cũng không bị thiệt thòi.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/co-hoi-lam-moi-chinh-sach-thue-thu-nhap-ca-nhan-1462276.ldo
HOÀNG VĂN MINH (BÁO LAO ĐỘNG)