Cho vay tín dụng xanh, ngân hàng thương mại vẫn trong thế khó
Tín dụng xanh ngày càng được quan tâm như một công cụ thúc đẩy phát triển bền vững, nhưng trong thực tế triển khai vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank. Ảnh: Hải Nguyễn
Tín dụng xanh không thiếu, nhưng khó tiếp cận
Phát biểu tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank - chia sẻ, từ năm 2017, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ sản xuất xanh. Điển hình là chương trình “Nông nghiệp sạch” phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,5 điểm % so với thông thường. Các chương trình này được duy trì đến nay, chia làm hai nhóm: Cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Dù ngân hàng luôn sẵn sàng cung cấp tín dụng xanh, vấn đề lớn nhất vẫn là khả năng tiếp cận thực tế của doanh nghiệp. Nhiều mô hình thí điểm chuỗi giá trị nông nghiệp trước đây - như mô hình trồng hoa lan ở Đà Lạt - từng được đầu tư mạnh nhưng vẫn không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Từ thực tế này, ngân hàng buộc phải thay đổi phương thức triển khai, hướng đến cho vay toàn bộ chuỗi giá trị từ đầu vào đến tiêu thụ để kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư.
“Ví dụ, trong chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, chúng tôi thiết kế gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, lãi suất thấp hơn từ 1 - 2% nếu các bên trong chuỗi cùng vay tại ngân hàng.
Một vấn đề khác khiến ngân hàng khó thẩm định là tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp nông nghiệp thường thuê đất trả tiền hằng năm hoặc sử dụng đất công, không đủ điều kiện thế chấp. Tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lưới lại không được ghi nhận là sở hữu, dẫn đến ngân hàng không thể định giá để làm tài sản đảm bảo. Dù đã nhiều lần kiến nghị, đến nay quy định vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp.
Chính sách chưa đồng bộ, thiếu cơ chế xác nhận dự án xanh
Đại diện Agribank cũng nêu vướng mắc trong các dự án đầu tư xanh như điện sinh khối, điện rác. Các dự án này có quy mô lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao, nhưng lại không có hiệu quả tài chính rõ ràng. Điển hình, một dự án xử lý rác tại Quảng Ninh đã đầu tư 4 nhà máy, nhưng hiệu quả vận hành không đạt kỳ vọng.
Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều 25.4.2025. Ảnh: Hải Nguyễn
“Một số dự án điện sinh khối nếu làm được thì rất tốt, nhưng lại yêu cầu chuỗi sản xuất rừng - chế biến - phát điện phải vận hành đồng bộ, trong khi thực tế chưa có mô hình nào hoàn chỉnh. Ngân hàng không thể cho vay khi không chắc chắn khả năng thu hồi vốn” - đại diện Agribank nhấn mạnh.
Chưa kể, chính sách quy hoạch thiếu ổn định cũng làm gia tăng rủi ro. Quy hoạch thay đổi liên tục khiến ngân hàng không thể đánh giá đúng hiệu quả dự án. Ngay cả với điện mặt trời, điện sinh khối hay điện rác, nếu không có chính sách rõ ràng về đầu ra, rất khó để chúng tôi đồng hành.
Một bất cập khác là yêu cầu xác định “dự án xanh” để được ưu đãi. Ngân hàng thương mại hiện phải tự huy động vốn và chịu trách nhiệm toàn diện về khoản vay, trong khi lại bị yêu cầu đánh giá dự án theo tiêu chí xanh mà không có đủ công cụ, cơ chế xác nhận. Điều này khiến ngân hàng gặp khó khăn, doanh nghiệp mất thời gian và chi phí làm lại các thủ tục đã có, như báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“Chúng tôi kiến nghị, nếu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thì có thể yêu cầu xác nhận tiêu chí xanh. Nhưng nếu là vốn tự huy động của ngân hàng thương mại thì không nên áp thêm điều kiện thẩm định xanh, bởi nếu xảy ra rủi ro, chính ngân hàng phải chịu trách nhiệm” - bà Bình nói.
Cuối cùng, vấn đề về chi phí vốn cũng là rào cản lớn. Với 80% vốn huy động từ dân cư, kỳ hạn chủ yếu từ 6-12 tháng, ngân hàng phải cân đối rất kỹ lãi suất đầu vào - đầu ra. Nếu có thể được phân bổ nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức quốc tế, như nguồn thu bán tín chỉ các-bon hoặc chương trình 1 triệu hecta lúa, để triển khai cho vay xanh hiệu quả và đúng định hướng.
Đại diện Agribank cho rằng, muốn phát triển tín dụng xanh thực chất và bền vững, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý rõ ràng và giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại khi tham gia vào dòng vốn đặc thù này.
https://laodong.vn/kinh-doanh/cho-vay-tin-dung-xanh-ngan-hang-thuong-mai-van-trong-the-kho-1497152.ldo
LỤC GIANG (BÁO LAO ĐỘNG)