Nhiều người lao động vì cần tiền gấp đã tìm đến các dịch vụ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần qua hình thức ủy quyền trên mạng xã hội. Ảnh: Hữu Vũ
Người lao động chật vật, “cò” BHXH tìm cách trục lợi
Chị Nguyễn Thị Bích (trú tại Bắc Giang) đã nghỉ việc gần 2 năm. Gặp khó khăn về tài chính, chị từng có ý định rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Khi tìm hiểu thông tin trong các hội nhóm tư vấn trên mạng xã hội, chị liên tục được các “cò bảo hiểm” tiếp cận, chào mời sử dụng dịch vụ rút BHXH một lần qua ủy quyền.
“Họ để lại số điện thoại ngay trong phần bình luận hoặc nhắn tin riêng, nói rằng chỉ cần gửi ảnh sổ bảo hiểm để kiểm tra. Nếu đủ điều kiện, họ sẽ hướng dẫn đi làm ủy quyền để nhận tiền ngay trong ngày” - chị Bích kể lại. Tuy nhiên, mức phí mà các “cò” đưa ra không hề nhỏ - dao động từ 30 đến 40% tổng giá trị rút được theo quy trình chính thống. Lo ngại bị lừa và mất thông tin cá nhân, chị Bích quyết định từ chối.
Không riêng trường hợp của chị Bích, tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH đang nở rộ ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực tập trung đông công nhân, người lao động như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương... Dịch vụ này thường hoạt động dưới hình thức cầm đồ trá hình. Người lao động có thể cầm cố sổ để lấy trước một khoản tiền mặt, kèm theo lãi suất tính theo ngày. Khi không thể hoàn trả đúng hạn, họ bị “dụ” bán đứt sổ thông qua giấy ủy quyền, và bị ép giá để "cò" hưởng phần chênh lệch.
Trong vai người muốn bán sổ BHXH, phóng viên đã liên hệ với một tài khoản Facebook tên Thị An - người thường xuyên đăng bài nhận cầm cố, thu gom sổ BHXH trong các hội nhóm. Người này cho biết có thể nhận mọi loại sổ, kể cả bị trùng thời gian đóng hoặc có lỗi. “Anh chỉ cần chụp sổ gửi qua Zalo cho em kiểm tra. Nếu ổn, gặp nhau 15-20 phút là có tiền mặt. Gặp mà sổ không hợp lệ thì mất thời gian cả hai bên”, Thị An nói.
Tại TPHCM, các "cò" cũng hoạt động tương tự, yêu cầu khách gửi ảnh sổ và căn cước công dân trước để xác minh rồi mới đồng ý gặp mặt làm giấy ủy quyền, đi công chứng. Một tài khoản Facebook tên Anh Vũ cho biết, “phải có thông tin rõ ràng mới dám làm, vì gặp không phải khách thật thì nguy hiểm”.
Nhiều người lao động vì cần tiền gấp đã tìm đến các dịch vụ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần qua hình thức ủy quyền trên mạng xã hội. Ảnh: Hữu Vũ
Nguy cơ lộ lọt dữ liệu, thông tin cá nhân từ dịch vụ chui
Dễ thấy, các dịch vụ rút BHXH qua "cò" đều hoạt động chui, không rõ danh tính. Họ thường dùng tài khoản mạng xã hội ảo, chỉ gặp khách trực tiếp khi chắc chắn có thể kiếm lời từ sổ bảo hiểm. Các giao dịch được tiến hành nhanh chóng, tránh bị phát hiện. Điều này khiến người lao động rất dễ bị lợi dụng, mất quyền lợi hoặc rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí dính vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Người lao động có thể bị đánh cắp thông tin, bị lừa đảo hoặc mất quyền lợi bảo hiểm vĩnh viễn. Trong khi đó, người “mua sổ” cũng không được đảm bảo quyền lợi gì, vì BHXH là chính sách an sinh cá nhân, chỉ được hưởng bởi chính chủ lao động theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, việc ủy quyền cho cá nhân không rõ lai lịch làm các thủ tục như rút, gộp, điều chỉnh thông tin sổ BHXH... có thể khiến người lao động bị mất tiền oan. Thực tế đã có nhiều trường hợp sau khi chuyển tiền cho "cò" thì bị chặn liên lạc, mất cả sổ lẫn tiền.
Ngành BHXH cảnh báo người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các dịch vụ trôi nổi trên mạng. Thay vào đó, nên đến trực tiếp cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ theo đúng quy định.
https://laodong.vn/cong-doan/canh-bao-rui-ro-tu-dich-vu-rut-cam-co-so-bao-hiem-xa-hoi-qua-moi-gioi-online-1496177.ldo