Thời sự
Cập nhật lúc 11:12 14/05/2025 (GMT+7)
Chi nhiều thu ít, ngân sách Quảng Nam gặp áp lực lớn trước thềm sáp nhập

Quảng Nam đang bước vào năm 2025 với nhiều áp lực về tài chính, khi thu ngân sách giảm sút và nguy cơ mất cân đối thu - chi ngày càng hiện rõ.

Đây là thách thức không nhỏ khi tỉnh đang trong quá trình chuẩn bị cho đề án sáp nhập với thành phố Đà Nẵng theo chủ trương của Trung ương.

Thu không đủ chi

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 7.815 tỉ đồng, đạt 31,3% dự toán cả năm và chỉ bằng 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, con số này bao gồm cả khoản thuế được gia hạn theo Nghị định 81 và 82 của Chính phủ (931 tỉ đồng), cho thấy nguồn thu thực tế có xu hướng chững lại.

Thaco đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Quảng Nam nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Thaco đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Quảng Nam nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tình hình càng đáng lo hơn khi so sánh với nhu cầu chi. Tổng chi ngân sách 4 tháng qua lên tới 8.815 tỉ đồng - vượt thu hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm 3.604 tỉ đồng, còn chi thường xuyên là 5.209 tỉ đồng.

Cơ cấu thu nội địa chiếm tỷ lệ cao (7.222 tỉ đồng), nhưng nguồn thu từ tiền sử dụng đất - vốn từng là “phao cứu sinh” ngân sách địa phương - đang sụt giảm mạnh. Đến hết quý I.2025, thu từ lĩnh vực này mới đạt 167 tỉ đồng, quá thấp so với dự toán cả năm là 3.300 tỉ đồng - mức thấp nhất trong 4 tỉnh khu vực Thuế XII.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tiền sử dụng đất - vốn là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách tỉnh Quảng Nam giảm mạnh.

Thị trường bất động sản đóng băng khiến ngân sách nhà nước của Quảng Nam hụt thu hàng nghìn tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Thị trường bất động sản đóng băng khiến ngân sách nhà nước của Quảng Nam hụt thu hàng nghìn tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Quảng Nam hiện phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ một số doanh nghiệp đầu tàu, đặc biệt là Tập đoàn THACO tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp lớn đang dần hết hiệu lực, khiến nguồn thu có nguy cơ suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách lại gia tăng do đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội.

Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thẳng thắn nhìn nhận, tình hình thu hiện nay chưa thực sự bền vững. Tỉnh buộc phải cơ cấu lại nguồn thu, tiết kiệm chi thường xuyên, giảm chi không cần thiết và tìm ra các dư địa tăng thu mới.

Cần chiến lược dài hơi cho một Quảng Nam mới

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tăng trưởng ngành công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2025 có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu. Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, chủ yếu do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạm dừng nhiều dự án chờ phương án sắp xếp đơn vị hành chính mới.

Môi trường kinh doanh vẫn chưa thật sự ổn định. Dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới có tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn cao - phản ánh sức chống chịu của khu vực sản xuất còn yếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp kiểm tra hiện trạng, tháo gỡ vướng mắc dự án trọng điểm tại Núi Thành. Ảnh: Truwnowngf An
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp kiểm tra hiện trạng, tháo gỡ vướng mắc dự án trọng điểm tại Núi Thành. Ảnh: Trường An

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/2025, yêu cầu các sở ngành và địa phương siết chặt kỷ luật tài chính, quản lý thu - chi ngân sách chặt chẽ, chi tiêu đúng mục tiêu và tiết kiệm.

Tỉnh đang hướng đến chiến lược dài hạn với các giải pháp tái cơ cấu nguồn thu: giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp lớn, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế số và du lịch xanh. Đây cũng là những định hướng quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho giai đoạn “hậu sáp nhập”.

https://laodong.vn/xa-hoi/chi-nhieu-thu-it-ngan-sach-quang-nam-gap-ap-luc-lon-truoc-them-sap-nhap-1506193.ldo

Nguyễn Hoàng (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: