Cần có quy định về đào tạo và kiểm soát, tránh lương y rởm
Hiện chưa có quy định về đào tạo lương y, lương dược và nếu đối tượng này được đào tạo một cách bài bản, được kiểm soát thì tránh được tình trạng "lương y rởm".
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP
Ngày 4.7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền (YDCT), kết hợp YDCT với y học hiện đại.
Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - cho biết, hiện chưa có quy định về đào tạo lương y, lương dược.
"Đây là khoảng trống mà chúng tôi mong có chỉ đạo về đào tạo với đối tượng này theo hướng đào tạo thường xuyên, truyền nghề", ông Đậu Xuân Cảnh nói.
Đồng thời, ông kiến nghị, số lương y được đào tạo bởi phương pháp truyền nghề thì có thể trình Hội đồng y khoa quốc gia thẩm định để cấp giấy chứng nhận. Nếu đối tượng này được đào tạo một cách bài bản, được kiểm soát thì tránh được tình trạng "lương y rởm".
Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh cho biết, hiện chưa có quy định về đào tạo lương y, lương dược. Ảnh: VGP
Trao đổi về ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ được giao xây dựng dự thảo chỉ thị về tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo nhằm phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trong đó có trách nhiệm của các bộ, ngành trong xây dựng cơ sở dữ liệu về dược liệu, vị thuốc, bài thuốc cổ truyền; tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra hoạt động thông tin, quảng cáo về y dược cổ truyền, xử lý nghiêm các vi phạm.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị phải có vị trí xứng đáng về mặt nghề nghiệp đối với nhân lực YDCT.
Sớm hoàn thành thủ tục để xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Về khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải có các nghiên cứu khoa học mang dấu ấn của chúng ta. "Tôi ủng hộ ý tưởng là có các sản phẩm y học cổ truyền Việt Nam tương tự như sản phẩm OCOP". Phải có sự chuyển động đồng bộ của cơ quan Bảo hiểm trong việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm này.
Về nguồn lực đầu tư, trong các nghị quyết, đề án cụ thể, sẽ có đề xuất tập trung vào một số bệnh viện trọng điểm.
Về nguồn dược liệu, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nên học tập mô hình của Quảng Nam trước đây (nay là Đà Nẵng) với Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhất trí với ý kiến về kết hợp, trong đó, Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách. Phải có khoa học công nghệ, "có khi sản phẩm mình sản xuất ra rất tốt nhưng không biết vận chuyển, bảo quản, chế biến thì chất lượng lại giảm. Mà chỉ lệch một chút về quy trình, không đúng về mặt khoa học là không bán được".
Nhấn mạnh không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ phải có các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, để hỗ trợ người nông dân, nhà khoa học để tạo ra dược phẩm cụ thể.
https://laodong.vn/thoi-su/can-co-quy-dinh-ve-dao-tao-va-kiem-soat-tranh-luong-y-rom-1534807.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)