Buôn Ma Thuột gần dân, sát dân để giảm nghèo hiệu quả
Đắk Lắk - Thành phố Buôn Ma Thuột đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giúp người dân vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Tiếp sức cho người dân thoát nghèo
Năm 2024, chị H’Râu H’Đơk (phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được hỗ trợ một con bò sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, bò mẹ đã đẻ được hai con, giúp gia đình chị cải thiện kinh tế.
Chị H’Râu chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tôi đã triển khai hiệu quả mô hình chăn nuôi hộ gia đình. Bò mẹ liên tục sinh sản, tạo tiền đề để gia đình vượt khó và xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Năm 2025, nếu tình hình thuận lợi, tôi dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, vay vốn để phát triển đàn gia súc, mong tăng thu nhập và sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp.”
Theo UBND thành phố Buôn Ma Thuột, bên cạnh đó, công tác phát triển kinh tế - xã hội, địa phương luôn xem công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Hiện địa phương đang thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 5.1.2022 về giảm nghèo bền vững gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu là giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 0,05%-0,07%/năm và hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm 3%-5%/năm, hướng tới không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Nhiều xã trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã được công nhận nông thôn mới. Ảnh: Bảo Trung
Bà Bùi Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: "Một phần nhờ vào sự trợ lực quan trọng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố đã được cấp có thẩm quyền công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thành công này có được là nhờ sự linh hoạt, uyển chuyển của các cấp chính quyền địa phương, gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới”.
Thống kê của UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho thấy, năm 2021, toàn thành phố có 463 hộ nghèo và 824 hộ cận nghèo.
Cuối năm 2024, toàn thành phố còn 145 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,13% tổng số hộ dân. Tổng số hộ cận nghèo là 435 hộ, chiếm tỉ lệ 0,40% tổng các hộ dân.
Riêng trong năm 2024, thành phố đã giảm 84 hộ nghèo (đạt 105%) và giảm 109 hộ cận nghèo (đạt 109%).
Định hướng nghề nghiệp cho người dân thoát nghèo
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, văn bản hướng dẫn về địa bàn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo còn chồng chéo, gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu triển khai.
Ngoài ra, các quy định chi tiết về nội dung hỗ trợ, trình tự, thủ tục và phương thức sản xuất ban hành chậm hoặc phải điều chỉnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các chương trình.
Theo ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, nhấn mạnh, hiện nay, một số địa phương trên địa bàn chưa chú trọng đúng mức đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo.
Bản thân người nghèo nhiều nơi vẫn thiếu ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hài lòng với cuộc sống hiện tại. Điều này dẫn đến nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Ông Hưng cho rằng, trong thời gian tới, cấp ủy và người đứng đầu các cấp cần trực tiếp chỉ đạo, định hướng người dân, đặc biệt ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, cần lồng ghép hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện chương trình giảm nghèo, tránh tình trạng chồng chéo.
Các địa phương cần tập trung xây dựng và nhân rộng những mô hình hiệu quả, sáng tạo trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia.
"Qua đó, định hướng nghề nghiệp, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn đặc thù, nhằm giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho thành phố" - ông Hưng khẳng định.
https://laodong.vn/xa-hoi/buon-ma-thuot-gan-dan-sat-dan-de-giam-ngheo-hieu-qua-1430665.ldo
BẢO TRUNG (BÁO LAO ĐỘNG)