Bỏ một chính sách với cán bộ không đủ tuổi tái cử
Trường hợp cán bộ không đủ tuổi tái cử nhưng vẫn lựa chọn ở lại công tác sẽ rất khó sắp xếp, bố trí vị trí công tác.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng, có hiệu lực từ hôm nay (ngày 1.1.2025).
Tại họp báo đột xuất Bộ Nội vụ chiều 31.12.2024, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh đã trình bày nội dung của Nghị định số 177/2024/NĐ-CP.
3 đối tượng, 2 chính sách
Ông Nguyễn Tuấn Ninh cho biết: Đối tượng hưởng chế độ, chính sách tại Nghị định số 177/2024/NĐ-CP gồm 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất, không đủ tuổi tái cử (còn dưới 30 tháng tính từ thời điểm đại hội đến thời điểm nghỉ hưu).
Nhóm thứ hai, đủ tuổi tái cử (từ 30 tháng đến 60 tháng).
Nhóm thứ ba, cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được cấp có thẩm quyền cho nghỉ công tác, nghỉ hưu theo Thông báo Kết luận số 20-TB/KL/2022 của Bộ Chính trị.
Về chế độ, chính sách, Nghị định số 177/2024/NĐ-CP quy định 2 chính sách gồm: Chế độ nghỉ hưu trước tuổi và chế độ nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Tăng chế độ so với trước và mức cao hơn tinh giản biên chế
Ông Nguyễn Tuấn Ninh phân tích, điểm mới của nghị định là trong nhóm đối tượng không đủ tuổi tái cử có cả trường hợp cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử cấp ủy nhưng không đủ tuổi tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.
“Việc bổ sung quy định nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Theo đó, do thời gian tổ chức đại hội của các cơ quan tiến hành tại các thời điểm khác nhau dẫn đến có trường hợp đủ tuổi tái cử ở cơ quan, tổ chức nơi công tác nhưng không đủ tuổi tái cử cấp ủy”, ông Ninh lý giải.
Nhóm còn đủ tuổi tái cử từ 30 - 60 tháng mới đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vì sắp xếp nhân sự cấp ủy, bản thân có nguyện vọng nghỉ hưu thì theo chủ trương của Bộ Chính trị, nghị định quy định có cơ chế để động viên, khuyến khích, giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm.
Nhóm đối tượng thứ 3 hưởng chính sách được bổ sung là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được cấp có thẩm quyền cho nghỉ công tác, nghỉ hưu theo thông báo Kết luận số 20/2022 của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết thực tiễn hiện nay.
Nghị định cũng bổ sung quy định cho phép áp dụng chế độ đối với trường hợp không bị xử lý kỷ luật nhưng có nguyện vọng thôi việc, nghỉ hưu sớm.
Ông Ninh thông tin thêm, việc quy định xử lý đối với các trường hợp đã thôi việc, nghỉ hưu trước ngày nghị định này có hiệu lực để giải quyết vướng mắc đối với một số trường hợp đã thôi việc, nghỉ hưu trong thời gian vừa qua.
Đáng chú ý, nghị định bỏ chính sách tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để giải quyết thực tiễn. Bởi vì, nếu nhiều trường hợp không đủ tuổi tái cử nhưng vẫn lựa chọn ở lại công tác sẽ rất khó sắp xếp, bố trí vị trí công tác. Vì vậy, cần khuyến khích hưởng chế độ để thôi việc, nghỉ hưu ngay.
“Các chế độ, chính sách áp dụng đối với người không đủ tuổi tái cử nghỉ hưu trước tuổi tăng hơn so với trước đây và theo nguyên tắc cao hơn so với tinh giản biên chế”, ông Ninh cho hay.
So với quy định cũ, quy định mới tăng mức hưởng từ 3 tháng lương bình quân lên 5 tháng hiện hưởng với những trường hợp có 20 năm hoặc 15 năm đầu công tác có đóng Bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, các đối tượng hưởng chính sách của nghị định này mà đồng thời thuộc đối tượng áp dụng chính sách, chế độ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thì được lựa chọn hưởng chính sách, chế độ cao hơn.
https://laodong.vn/thoi-su/bo-mot-chinh-sach-voi-can-bo-khong-du-tuoi-tai-cu-1443814.ldo
HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)