Thời sự
Cập nhật lúc 10:40 20/12/2024 (GMT+7)
Bộ đội Cụ Hồ viết kỳ tích trên đất Đồng Tháp Mười

Với ý chí kiên cường và tầm nhìn chiến lược, Bộ đội Cụ Hồ tỉnh Đồng Tháp đã viết nên kỳ tích ở nơi từng được gọi là “vùng đất chết”.

Xung phong thời bình

“Đó là một trong những quyết định khó khăn nhất trong đời hoạt động cách mạng của tôi”, Thiếu tướng Lê Quang Viễn - nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Tháp - chia sẻ về chiến dịch tiến quân vào Đồng Tháp Mười (ĐTM).

Thiếu tướng Lê Quang Viễn. Ảnh: Lục Tùng
Thiếu tướng Lê Quang Viễn - nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Tháp - chia sẻ về chiến dịch đưa bộ đội tiến quân vào khai phá ĐTM. Ảnh: Lục Tùng

Những ngày sau thống nhất đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp họp bàn về khai phá ĐTM. Đa số ý kiến đề nghị “chưa nên” vì theo các chuyên gia trị phèn quốc tế cho rằng, để khai thác 1ha đất phèn ở ĐTM cần đến 1 triệu USD. Thậm chí họ còn cảnh báo: “Chọc” vào túi phèn là đâm đầu vào đá. Tuy nhiên, bằng quyết tâm và tầm nhìn quân sự, ông Viễn đã cố công thuyết phục. “Chẳng phải tài giỏi gì đâu, có lẽ biết tôi lo cái ăn cho dân nên tập thể ủng hộ”, ông Viễn chia sẻ.

Thực tế này càng thôi thúc ông Viễn triển khai cuộc tổng tiến công khai hoang nhanh nhất với suy nghĩ rất đơn giản: đưa quân vào khai thác, nếu được thì dân no ấm; ngược lại, chỉ tốn… “công lính”.

Và với tầm nhìn chiến lược của người bộ đội từng vào Nam ra Bắc, ông còn ngầm hướng tới mục tiêu: tạo phên giậu biên giới. “Lúc đó ông Võ Văn Kiệt đặc biệt ủng hộ ý tưởng này. Ông động viên chúng tôi tiến công với quyết tâm cao nhất”, ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ.

Người dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa trên cánh đồng hoang được bộ đội khai phá năm xưa. Ảnh: Lục Tùng
Người dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa trên cánh đồng hoang được bộ đội khai phá năm xưa. Ảnh: Lục Tùng

Sau này, khi tổng kết chương trình khai thác ĐTM, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã ghi nhận: Nhờ có cuộc tiến công của Bộ đội Cụ Hồ mà cánh đồng hoang ĐTM trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Đặc biệt, còn tạo ra tuyến phòng thủ biên giới vững chắc, giúp Đồng Tháp giảm tổn thất so với nhiều địa phương trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Thắp sáng bưng biền

Đại tá Phạm Ngọc Trọng (Ba Trọng) - nguyên Giám đốc Nông trường Giồng Găng (nay là Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp) - nhớ lại: Lúc đó mặt trời vừa khuất dạng là mọi người phải chui vào mùng trốn muỗi. Còn chuột nhiều đến mức, sau mỗi đêm bẫy, phải đào hố chôn vì ăn uống, chế biến không xuể.

Tuy nhiên, với tinh thần tiến công của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính vẫn quyết tâm lên bờ bao, hoàn thành khu trồng lúa thử nghiệm 10ha tại khu vực Gò Cao (nay là K12 xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) và bắt tay trồng lúa 2 vụ.

“Ngày xuống giống, bà con kéo đến dò xét vì không ai nghĩ bộ đội sẽ làm được. Thậm chí đến lúc thấy cây lúa vươn màu xanh giữa cánh đồng phèn, nhiều người vẫn dè dặt. Nhưng khi thu hoạch đạt năng suất 5 tấn/ha, thì nhiều lão nông tri điền dành lời khen tặng”, ông Trọng nhớ lại.

Sau thành công này, nông trường mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lúa lên 100ha rồi 1.000ha. “Ngoài việc kêu gọi kỹ sư tình nguyện vào công tác, chúng tôi tranh thủ mọi ý kiến, góp ý của các nhà khoa học, nhất là “chuyên gia cây lúa” Võ Tòng Xuân của Đại học Cần Thơ”, đại tá Trọng lý giải nguyên nhân thành công.

Nhà khoa học Võ Tòng Xuân (trái) và sĩ quan Phạm Ngọc Trọng trong những ngày đầu của cuộc tổng tiến công khai phá cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười. (Ảnh Tư liệu của cố GS.TS Võ Tòng Xuân)
Nhà khoa học Võ Tòng Xuân (trái) và sĩ quan Phạm Ngọc Trọng trong những ngày đầu của cuộc tổng tiến công khai phá cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười. (Ảnh tư liệu của cố GS.TS Võ Tòng Xuân)

Từ nền móng vững chắc này đã thôi thúc các ban ngành, địa phương nhập cuộc khai thác, đưa ĐTM từ vùng đất phèn với cây lúa 1 vụ, sản lượng khoảng 260.000 tấn (năm 1975) cán mức 1 triệu tấn vào năm 1988.

Theo chỉ đạo của Tỉnh đội, các nông trường không chỉ chuyển giao lúa giống, mà còn chuyển giao phương pháp xạ hạt, kỹ thuật “ém” phèn và nhiều hỗ trợ khác để giúp người dân no cái ăn, an tâm lập nghiệp. “Không chỉ giao đất với định mức tối thiểu 3 ha/hộ, chúng tôi còn trao cả con giống heo, bò để bà con lấy ngắn nuôi dài”, ông Viễn nhớ lại.

Khi mọi việc đã đi vào ổn định, vùng đất hoang năm xưa đã mọc lên 9 xã, 1 thị trấn thì những người lính Cụ Hồ bàn giao 3.000ha đất cho địa phương quản lý, để bắt tay vào nhiệm vụ mang tính thúc đẩy toàn vùng: Đầu tư hệ thống giao thông liên vùng, xây nhiều cụm dân cư biên giới…

Đồng Tháp Mười, vùng đất ngập nước rộng 700.000ha thuộc Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An, từ bước khởi đầu của Đồng Tháp đã lan tỏa phong trào khai hoang. Đây chính là nền tảng đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

https://laodong.vn/xa-hoi/bo-doi-cu-ho-viet-ky-tich-tren-dat-dong-thap-muoi-1437572.ldo

LỤC TÙNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: