Thời sự
Cập nhật lúc 02:07 20/01/2025 (GMT+7)
Áp lực với ngành ngân hàng khi Thông tư 02 hết hiệu lực

Năm 2025, ngành ngân hàng bước vào giai đoạn chuyển giao quan trọng khi Thông tư 02 nhằm hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại nợ trong bối cảnh kinh tế khó khăn... chính thức hết hiệu lực. Điều này đặt ra bài toán lớn trong việc cân đối giữa kiểm soát rủi ro tài sản và duy trì tăng trưởng tín dụng.

Áp lực với ngành ngân hàng khi Thông tư 02 hết hiệu lực
Năm 2025, ngành ngân hàng Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển giao quan trọng khi Thông tư 02 chính thức hết hiệu lực. Ảnh: Hải Nguyễn

Nợ xấu và nợ có vấn đề ổn định nhưng áp lực còn lớn

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho đến tháng 6.2024, tổng nợ có vấn đề trong ngành ngân hàng, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC, đạt mức 6,9% tổng dư nợ tín dụng. Đây là con số ổn định so với năm trước, nhưng vẫn phản ánh những tác động kéo dài từ giai đoạn 2022-2023, khi tỉ lệ này từng tăng mạnh thêm 2,7 điểm phần trăm.

Trong ba quý đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn tại các ngân hàng đã giảm đáng kể nhờ khả năng trả nợ của khách hàng được cải thiện. Một số ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã cho thấy khả năng giảm tỉ lệ nợ tái cơ cấu một cách hiệu quả.

Trong báo cáo mới công bố của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đến cuối tháng 8.2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 còn khoảng 126.000 tỉ đồng và nợ xấu tiềm ẩn chiếm khoảng 70% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống. Tuy nhiên, khi Thông tư 02 hết hiệu lực, các ngân hàng phải đối mặt với yêu cầu ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Đây có thể là thách thức lớn đối với một số ngân hàng nhỏ và những ngân hàng có quy mô nợ tái cơ cấu lớn như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Chuyên gia phân tích cao cấp, bà Phan Thị Vân Anh từ VIS Rating, nhận định: “Các ngân hàng nhỏ sẽ chịu áp lực cao hơn khi biên lãi ròng tiếp tục bị thu hẹp do chi phí vốn tăng lên và khả năng cải thiện lợi nhuận bị hạn chế".

Lợi thế và thách thức

Theo VIS Rating, trong số các ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Vietcombank nổi bật với khả năng kiểm soát tốt tỉ lệ nợ xấu và tỉ lệ bao phủ nợ cao. Điều này giúp giảm tác động từ việc ghi nhận chi phí tín dụng cao hơn sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Trong khi đó, một số ngân hàng tư nhân lớn như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đã tăng cường các biện pháp giảm nợ có vấn đề, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Dù vậy, vẫn có những ngân hàng gặp khó khăn do sự phụ thuộc lớn vào khách hàng trong lĩnh vực bất động sản - một ngành vẫn đang đối mặt với nhu cầu thấp và các vấn đề pháp lý chưa được giải quyết triệt để. VPBank, với tỉ lệ nợ tái cơ cấu cao và tỉ lệ bao phủ nợ thấp, được dự báo là một trong những ngân hàng chịu tác động nặng nhất khi Thông tư 02 kết thúc.

Nhóm phân tích của VIS Rating cũng cho biết, đối với các ngân hàng quy mô nhỏ như Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) hay Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB), việc giảm rủi ro cho vay đã được đưa vào chiến lược dài hạn nhằm kiểm soát chất lượng tài sản. Tuy nhiên, điều này không tránh khỏi gây áp lực lên biên lãi ròng.

Theo báo cáo, tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản trung bình của các ngân hàng nhỏ dự kiến giảm trong năm 2025 do chi phí tín dụng gia tăng và khả năng tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Tiếp đến, các ngân hàng này còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong việc huy động vốn, khiến chi phí vốn tăng cao.

Những cơ hội trong năm 2025

Mặc dù ngành ngân hàng sẽ chịu nhiều thách thức, nhưng cũng có những cơ hội nổi bật nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô được cải thiện. Chính phủ đã và đang thúc đẩy các chương trình hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Điều này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng trả nợ của doanh nghiệp, giúp giảm tỉ lệ nợ xấu và nợ tái cơ cấu trong dài hạn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tăng cường đầu tư vào công nghệ và số hóa quy trình để giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả. Những ngân hàng tiên phong trong xu hướng này, như Techcombank (TCB) và ACB, sẽ có lợi thế lớn trong việc duy trì tăng trưởng ổn định.

Sự kết thúc của Thông tư 02 vào cuối năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Trong khi nhiều ngân hàng lớn và có năng lực quản trị rủi ro tốt sẽ duy trì ổn định, các ngân hàng nhỏ và có tỉ lệ nợ tái cơ cấu cao cần chuẩn bị đối phó với nhiều thách thức trong năm 2025. Cách các ngân hàng điều chỉnh chiến lược để thích ứng với môi trường mới sẽ là yếu tố quyết định khả năng duy trì tăng trưởng và kiểm soát rủi ro trong thời gian tới.

https://laodong.vn/kinh-doanh/ap-luc-voi-nganh-ngan-hang-khi-thong-tu-02-het-hieu-luc-1452404.ldo

Minh Ánh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: