Thời sự
Cập nhật lúc 01:54 19/12/2024 (GMT+7)
10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2024

Xuất siêu kỷ lục, hoàn thành đường dây 500kV mạch 3, GDP dẫn đầu ASEAN-6, thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, lần đầu tiên hãng xe điện Việt chiếm ngôi số 1 thị trường ôtô... là những điểm nhấn giúp kinh tế Việt Nam năm 2024 bứt phá.

10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2024
Công trình Đường dây 500kV mạch 3 (Quảng Trạch, Quảng Bình tới phố Nối, Hưng Yên). Ảnh: Ngọc Tuấn

1. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 700 tỉ USD

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2024 đã vượt mốc 700 tỉ USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2024 đã vượt mốc 700 tỉ USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 16,4%, giúp Việt Nam duy trì xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với con số 24,31 tỉ USD. Kết quả này không chỉ cho thấy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mà còn là tín hiệu tích cực về khả năng giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tăng cường sản xuất nội địa.

2. Việt Nam dẫn đầu ASEAN-6 về tăng trưởng GDP

Trong 11 tháng, thu hút FDI Việt Nam đạt hơn 31 tỉ USD. Đồ họa: Tổng cục Thống kê
Trong 11 tháng, thu hút FDI Việt Nam đạt hơn 31 tỉ USD. Đồ họa: Tổng cục Thống kê

Theo số liệu thống kê, trong quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%. Tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, (đóng góp 5,37%); Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19% (đóng góp 46,22%), trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%. Khu vực dịch vụ tăng 6,95% (đóng góp 48,41%).

Trên cơ sở kết quả của quý III và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo với, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7% của cả năm, nếu có điều kiện thì có thể phấn đấu cao hơn 7%.

3. VinFast trở thành thương hiệu ôtô bán chạy số 1 thị trường Việt Nam

Xe điện góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: VinFast
Xe điện góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: VinFast

Năm 2024, VinFast - hãng xe nội địa của Việt Nam - ghi dấu ấn khi doanh số xe điện chiếm lĩnh thị phần lớn tại Việt Nam, vượt qua nhiều thương hiệu quốc tế như Toyota, Hyundai và Kia. Đây là lần đầu tiên một hãng xe nội địa dẫn đầu thị trường ôtô, đặc biệt trong phân khúc xe điện đang phát triển nhanh chóng. Nguyên nhân xuất phát từ việc các dòng xe điện như VF e34, VF8 và VF9 được người tiêu dùng đánh giá cao về thiết kế hiện đại, công nghệ thông minh và khả năng vận hành tiết kiệm, bền vững. VinFast đã xây dựng hệ thống trạm sạc phủ khắp các tỉnh thành, tạo lợi thế lớn so với các hãng xe quốc tế. Thêm nữa, VinFast đưa ra chương trình thuê pin linh hoạt, bảo hành dài hạn và hỗ trợ giá cạnh tranh, giúp tăng sức hấp dẫn cho xe điện. Cuối cùng, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng xe điện do chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch của Chính phủ, giảm thuế và ưu đãi phí đăng ký xe.

4. Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: AI
Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: AI

Ngày 30.11.2024, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 67 tỉ USD, sử dụng công nghệ hiện đại với tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

5. Thông qua 3 luật tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Tháng 1.2024, Quốc hội thông qua ba luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở) với sự điều chỉnh đồng bộ và có hiệu lực từ ngày 1.8.2024. Các luật này tạo khung pháp lý minh bạch và thông thoáng hơn, tháo gỡ các nút thắt trong quản lý đất đai và phát triển bất động sản.
Luật Đất đai tập trung vào định giá đất sát với thị trường, giảm đầu cơ; Luật Kinh doanh Bất động sản hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn; trong khi Luật Nhà ở chú trọng phát triển nhà ở xã hội. Các quy định này góp phần tăng cường tính minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và người dân.

6. Đường dây 500kV mạch 3: Biểu tượng của ý chí và khát vọng phát triển

Đường dây 500kV mạch 3: Biểu tượng của ý chí và khát vọng phát triển. Ảnh: Phan Anh
Đường dây 500kV mạch 3: Biểu tượng của ý chí và khát vọng phát triển. Ảnh: Phan Anh

Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và ý chí phát triển của Việt Nam, được triển khai nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phê duyệt đầu tư từ tháng 10.2020 với vốn hơn 23.000 tỉ đồng, dự án đạt kỳ tích về tốc độ thi công nhờ sự tham gia của 15.000 kỹ sư và công nhân, cùng nhiều sáng kiến kỹ thuật giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 5.2023, dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu điện cấp bách mà còn khẳng định năng lực và khát vọng của người Việt Nam trong xây dựng một đất nước thịnh vượng.

7. Việt Nam hợp tác với NVIDIA thành lập 2 trung tâm phát triển AI

Ngày 5.12.2024, Việt Nam và NVIDIA công bố hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI. Các trung tâm này sẽ tập trung phát triển các ứng dụng AI trong y tế, giáo dục, giao thông và tài chính, đồng thời đào tạo nhân tài AI cho Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng giúp Việt Nam "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong lĩnh vực AI, tạo động lực thu hút thêm các nhà đầu tư công nghệ cao.

8. Thị trường chứng khoán tiến thêm bước quan trọng trong quá trình nâng hạng

Thị trường chứng khoán tiến thêm bước quan trọng trong quá trình nâng hạng. Đồ họa: Anh Kiệt
Thị trường chứng khoán tiến thêm bước quan trọng trong quá trình nâng hạng. Đồ họa: Anh Kiệt

Ngày 18.9.2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC, trong đó bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này giúp thị trường trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn, đồng thời tăng cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi vào cuối năm 2025.

9. Ngành ngân hàng đẩy mạnh xác thực sinh trắc học

Ngành ngân hàng đẩy mạnh xác thực sinh trắc học. Ảnh: Vietcombank
Ngành ngân hàng đẩy mạnh xác thực sinh trắc học. Ảnh: Vietcombank

Từ ngày 1.7.2024, NHNN yêu cầu các ngân hàng triển khai xác thực sinh trắc học đối với giao dịch trực tuyến. Tính đến tháng 12.2024, 38 triệu lượt khách hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học, giúp giảm 50% số vụ lừa đảo và trên 70% số tài khoản nhận tiền lừa đảo. Đây là bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ để bảo vệ người dùng và nâng cao an toàn cho các giao dịch tài chính.

10. Ổn định thị trường vàng, giảm chênh lệch giá vàng

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp bình ổn thị trường vàng thông qua tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán vàng trực tiếp qua các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và SJC. Nhờ đó, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới đã giảm mạnh từ 15-18 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng. Về lâu dài, để ổn định thị trường vàng, nhiều ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên bãi bỏ tình trạng độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, đảm bảo liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.

https://laodong.vn/kinh-doanh/10-su-kien-noi-bat-cua-kinh-te-viet-nam-nam-2024-1437366.ldo

Nhóm PV (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: