Không sợ thất bại
Đặng Hoàng Anh sinh năm 1998, tốt nghiệp đại học chuyên ngành marketing. Sau khi tốt nghiệp, trong thời gian làm quản lý một xưởng sản xuất tranh ở quận Hà Đông (Hà Nội), Hoàng Anh tranh thủ vừa làm vừa học thêm các khóa marketing online.
Sau 2 năm, Hoàng Anh được tuyển dụng làm nhân viên bán hàng chính cho một showroom tranh cao cấp đặt tại 1 khách sạn 5 sao ở quận Tây Hồ (Hà Nội).
“Lương khởi điểm 1 nghìn đô la, yêu nhà tuyển dụng yêu cầu rất cao về ăn mặc, đầu tóc. Thậm chí yêu cầu nhân viên không dùng nước hoa quá đậm mùi. Ngoài ra, KPI của nhóm chúng tôi rất nặng, ngoài chỉ số về doanh số bán hàng, tăng trưởng khách hàng tiếp cận qua fanpage của thương hiệu, chúng tôi phải có báo cáo tháng về mặt bằng chung của thị trường, tình hình của những thương hiệu đối thủ… Như vậy, mức lương nghìn đô thực sự không phải là cao”, Hoàng Anh nói.
Sau 6 tháng làm việc tại showroom, Hoàng Anh nghỉ việc với lý do yêu cầu công việc quá ngặt nghèo so với đãi ngộ. Theo nhân sự Gen Z này, thời gian làm việc tại showroom quá gò bó, nhân viên luôn phải đáp ứng “giao diện 5 sao” như luôn tươi cười, áo quần tươm tất, nghỉ phép phải báo trước 1 tuần.
Hiện nay, Hoàng Anh tự mở một cửa hàng kinh doanh đá ốp lát, tự marketing và bán hàng. Dù công việc vất vả nhưng Gen Z này cho rằng vẫn hài lòng với lựa chọn của mình. “Tôi không sợ thất bại, gen Z là thế hệ ứng viên khác biệt hoàn toàn trong thị trường lao động, chủ động hơn chứ không chọn phương án an toàn như thế hệ trước đó”, Hoàng Anh cho hay.
Vũ Kiều Tiên sinh năm 1999 (TP Hạ Long, Quảng Ninh) là du học sinh ngành xã hội học từ Mỹ. Về Việt Nam năm 2022, đúng thời điểm dịch COVID 19 căng thẳng, Tiên rơi vào tình trạng thất nghiệp suốt nửa năm. Sau đó, nhờ người thân giới thiệu, Tiên được nhận làm nhân viên khảo sát xã hội cho 1 nhãn hàng nhập ngoại, trụ sở doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Lương cứng 500 đô la và có thêm tiền thưởng theo gói khảo sát, tổng thu nhập của Tiên khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, Gen Z này nghỉ việc sau gần 2 năm gắn bó với lý do “không có triển vọng tương lai”. Tiên cho hay: “Sếp em không cố định vì chính sách điều chuyển nhân sự của công ty. Thời gian em làm ở TP. Hồ Chí Minh thì sếp quản lý trực tiép ở Hà Nội, ngược lại, khi em ra Hà Nội thì sếp mới lại là nhân sự ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài giao tiếp, báo cáo tối thiểu trong công việc, em không thấy sự gắn kết giữa đồng nghiệp và cũng không thấy có cơ hội thăng tiến”.
Nghỉ việc, Tiên về Quảng Ninh kinh doanh thời trang. Gen Z này cho hay, cửa hàng của cô vẫn chưa đến thời điểm hòa vốn nhưng cô chấp nhận thử thách này vì thực sự tìm thấy niềm vui trong công việc.
“Vênh” nhiều yếu tố
Ông Lê Minh Chung là Tổng giám đốc Công ty Faster, chuyên kinh doanh thiết bị gia dụng cao cấp cho hay, 50% trong số gần 90 nhân sự của công ty anh là nhân lực Gen Z.
Đánh giá về nhân sự Gen Z, ông Chung nói: “Các bạn năng động, giỏi ngoại ngữ và có nhiều ý tưởng. Dịp cuối năm, nhân sự được thưởng nhiều nhất ở công ty tôi không phải là nhóm “kỳ cựu” mà chính là nhóm nhân sự trẻ này. Tuy nhiên, tôi luôn đối mặt với sự xáo trộn nhân sự nhóm này vì tỉ lệ nhảy việc rất cao, các bạn thường không gắn bó lâu khi không còn hứng thú công việc hoặc nhận thấy cơ hội việc làm có cơ hội thăng tiến, thu nhập cao hơn”.
Ông Chung cho biết thêm, với nhiều nhà tuyển dụng truyền thống, nhân sự Gen Z có thể vênh nhiều thứ, từ tư duy, quan điểm đến các mục tiêu cụ thể. Để có tiếng nói chung, cả 2 bên phải “điều hòa”, cân đối để gặp nhau 1 điểm. Quan trọng nhất với nhân lực Gen Z, hoặc thu nhập cao, hoặc có cơ hội học hỏi, thăng tiến mới giữ chân được.
Bà Tô Thị Thu Thủy, giám đốc nhân sự OPPO Việt Nam, chia sẻ tại một hội thảo mới được tổ chức, cho hay đang thấy tỉ lệ lao động Gen Z dần tăng ở nhiều doanh nghiệp.
Ưu điểm của thế hệ Z là việc được sinh ra trong thời đại công nghệ, lượng kiến thức, thông tin rất vững; Gen Z giỏi sáng tạo và thích nghi, học cái mới rất nhanh, biết cách tìm kiếm kiến thức và sàng lọc thông tin.
“Tuy nhiên một ưu điểm vô tình lại trở thành nhược điểm, thách thức cho Gen Z là việc tự tin thái quá, vì thế khó nhận ra được điểm cần cải thiện. Các bạn cũng xem nhẹ và không tập trung cải thiện các kỹ năng mềm”, bà Thủy nói.
https://laodong.vn/cong-doan/venh-giua-nha-tuyen-dung-va-nhan-su-gen-z-1434718.ldo