Trang chủChuyên đềTuyên truyền giáo dục - thi đua khen thưởngHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Cập nhật lúc 09:29 17/05/2017 (GMT+7)
Học Bác để sống tốt

Ở Xí nghiệp May Thị Nghè (Công ty CP May Sài Gòn 2, Công ty CP Dệt May Gia Định), Nguyễn Thị Kim Anh là cái tên tiêu biểu về năng suất, hiệu quả và đi đầu khi có các sản phẩm mới, sản phẩm khó.

Chị là cá nhân được LĐLĐ TP HCM tuyên dương về Học tập và làm theo lời Bác năm 2017.

Học đến lớp 7, Kim Anh quyết định nghỉ học để nhường cho em trai tiếp tục đến trường. Có người chị họ làm nghề may, Kim Anh đến nhà chị học nghề và bén duyên với nghề may từ đó. Ban đầu, chị may cho một cơ sở tổ hợp gần nhà, năm 2006, chị vào Xí nghiệp May Thị Nghè làm việc cho đến nay. Hơn 10 năm gắn bó với công ty và gần 20 năm làm ở ngành may, sản phẩm, công đoạn nào chị Kim Anh cũng làm qua và làm rất nhanh, rất thạo. Ở xí nghiệp, khi có người nghỉ bất ngờ vì ốm đau, tai nạn, chị sẵn sàng choàng gánh mà không hề than phiền. Chị kể: "Vì làm lâu trong nghề nên khi để sản phẩm vào máy là tôi ước lượng được đường may ngay, không phải suy nghĩ. Khi may, đòi hỏi người thợ không chỉ nhanh mà phải chính xác để không phải tháo ra làm lại, tránh mất thời gian sửa chữa. Khi các em mới vào, không may được công đoạn nào, tôi sẵn sàng giúp. Tôi nghĩ học Bác chính là làm tốt công việc của mình và sống tốt với mọi người, với đồng nghiệp".

 

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, Xí nghiệp May Thị Nghè, điển hình Học tập và làm theo lời Bác năm 2017

Sinh ra trong một gia đình rất nghèo, chị chịu cảnh cơ cực từ nhỏ. Ba chị là cô nhi trong trại trẻ mồ côi, không được học hành đến nơi đến chốn. Ông gặp mẹ chị, một cô gái nghèo quê ở Vĩnh Long. Hai người không có người thân thích, không nơi nương tựa quyết định xây dựng một gia đình ở TP HCM với chồng làm bảo vệ, vợ làm công nhân xây dựng. Hai đứa con lần lượt ra đời. Khó khăn, chồng chất khó khăn nên việc học hành của cô con gái lớn là chị Kim Anh cũng lỡ dở. "Biết mình nghèo nên phải phấn đấu. Mỗi tháng, tôi đều trích nửa lương để gửi mẹ chi tiêu trong nhà. Rồi khó khăn dần dần cũng qua khi gia đình tôi mua được một ngôi nhà cấp 4 ở quận 2, TP HCM. Tôi đã gửi số tiền dành dụm được để phụ gia đình sửa chữa nhà. Nay em trai tôi đã học hết phổ thông và có việc làm ổn định" - chị kể. Ở tuổi 36, chị Kim Anh vẫn đi về một mình. Chị tâm sự do công việc ít có cơ hội tiếp xúc với người khác giới và chị cũng muốn tiếp tục phụ giúp gia đình vì cha mẹ đã già.

Chị Võ Thị Oanh, Tổ trưởng Tổ 1 Xí nghiệp May Thị Nghè, nhận xét: "Kim Anh là thợ may giỏi nhất của xí nghiệp, lương của em lúc nào cũng dẫn đầu xí nghiệp với mức bình quân 6-7 triệu đồng/tháng. Những sản phẩm nào mới đưa về, những công đoạn nào khó đều giao cho Kim Anh và em hoàn thành rất tốt. Kim Anh là người hòa nhã, hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp. Trong tổ, có bạn nào bị bệnh, em đều đến thăm, có người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, Kim Anh nhiệt tình đóng góp".

Bài và ảnh: Ngân Hà (Người lao động)
In
Về đầu
Lượt truy cập: