Ông Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa phát biểu triển khai kế hoạch "Bình dân học vụ số" trong công nhân viên chức lao động TP. Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Hùng
Ngày 15.5, tại Trung tâm Chính trị thành phố, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Thanh Hóa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và tập huấn phong trào “Bình dân học vụ số” trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn thành phố.
Đây là hoạt động cụ thể kế hoạch của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa về triển khai phong trào trong toàn tỉnh, đồng thời là bước đi quyết liệt nhằm đưa tri thức chuyển đổi số đến tận các công đoàn cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà còn là nhiệm vụ cấp thiết để xây dựng tổ chức công đoàn hiện đại. Phong trào "Bình dân học vụ số' là bước khởi đầu quan trọng để người lao động nắm bắt công nghệ, nâng cao năng lực số và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Quang Khoa - Chủ tịch LĐLĐ TP Thanh Hóa - khẳng định: “Phong trào "Bình dân học vụ số" không chỉ là hành động thích ứng với thời đại mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của tổ chức Công đoàn trong đồng hành cùng người lao động bước vào kỷ nguyên số, góp phần xây dựng thành phố Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại.”
Ông Hoàng Quang Khoa – Chủ tịch LĐLĐ TP Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Hùng
Tại hội nghị, ông Lê Hùng Sơn - Phó Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp VNPT Thanh Hóa - đã trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn tiếp cận các nền tảng AI đến cán bộ công đoàn, người lao động. Phần trình bày của ông Sơn đón nhận được sự quan tâm chú ý cao độ của hội nghị.
Phong trào “Bình dân học vụ số” được xây dựng với tinh thần đơn giản, dễ tiếp cận và thực chất, hướng tới mọi đối tượng đoàn viên, đặc biệt là người lao động khu vực doanh nghiệp - những người vốn còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ. Mục tiêu trọng tâm là phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, trang bị kỹ năng số thiết yếu cho người lao động để ứng dụng vào công việc, đời sống và tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Ông Lê Hùng Sơn - Phó Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp VNPT Thanh Hóa - hướng dẫn sử dụng các nền tảng số. Ảnh: Xuân Hùng
Theo Kế hoạch của Ban Thường vụ LĐLĐ TP Thanh Hóa, phong trào sẽ được triển khai đồng bộ tại tất cả các cấp công đoàn với 4 nhóm nội dung chính: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tổ chức lớp học trực tiếp và trực tuyến; phát động phong trào tự học kỹ năng số; và tích hợp phong trào vào các chương trình chuyển đổi số của đơn vị, địa phương.
Cán bộ công đoàn, công nhân lao động tham dự hội nghị. Ảnh: Xuân Hùng
Công đoàn TP Thanh Hóa đặt ra chỉ tiêu: Đến hết năm 2025, 100% cán bộ công đoàn chuyên trách và 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công có khả năng sử dụng nền tảng số trong công việc; 80% người lao động trong doanh nghiệp nắm được kiến thức và kỹ năng số cơ bản; ít nhất 70% công đoàn cơ sở sử dụng hệ thống dữ liệu số được kết nối với công đoàn cấp trên và chính quyền đồng cấp.
Để đạt được mục tiêu trên, LĐLĐ TP Thanh Hóa sẽ tổ chức các lớp phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn người lao động sử dụng thiết bị thông minh, truy cập Internet an toàn, khai thác dịch vụ công trực tuyến, mua sắm và thanh toán điện tử… Song song, các mô hình như “Tổ công nghệ số cộng đồng”, “Gia đình CNVCLĐ số” cũng được triển khai sâu rộng, trong đó mỗi hộ gia đình có ít nhất một người sử dụng thành thạo công nghệ và hỗ trợ người thân học tập, tiếp cận nền tảng số.
Đáng chú ý, LĐLĐ TP sẽ phối hợp xây dựng nền tảng học tập trực tuyến dựa trên công nghệ trợ lý ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cá nhân hóa nội dung học cho từng đoàn viên. Các tài liệu học tập sẽ được số hóa dưới dạng văn bản, hình ảnh, video và bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, dự kiến hoàn thiện trong quý II.2025. Ngoài ra, Wi-Fi miễn phí sẽ được lắp đặt tại nhà trọ, nhà ăn, góc văn hóa công nhân... nhằm tạo điều kiện cho người lao động học tập linh hoạt.
Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền mà là giải pháp thực tế để rút ngắn khoảng cách số trong đội ngũ lao động. Với hệ thống công đoàn cơ sở rộng khắp, sự đồng lòng từ cấp chỉ đạo đến cơ sở triển khai, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ sớm hình thành một lực lượng lao động số năng động, làm chủ công nghệ và thích ứng nhanh với thời đại 4.0.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-thanh-hoa-phat-dong-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-1507085.ldo