Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam: Hiện công ty có gần 40.000 người lao động (NLĐ), trong đó, tỉ lệ NLĐ phải thuê nhà trọ để sống và làm việc khá cao, điều kiện nhà ở chật hẹp, môi trường sống còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều gia đình không đủ không gian sinh sống phải gửi con về quê để ông bà chăm nuôi. Con cái phải xa cha mẹ, ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển sức khỏe, nhân cách.
Luật Nhà ở 2023 đã quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Luật Công đoàn 2024 mới được Quốc hội thông qua cũng quy định một trong những nhiệm vụ tài chính công đoàn được sử dụng là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, người lao động thuê.
Do đó, tôi mong muốn các cấp công đoàn nhanh chóng thực hiện các quy định của pháp luật để xây dựng nhà ở xã hội để công nhân, NLĐ thuê. Bởi lẽ, khi ổn định chỗ ở, NLĐ mới yên tâm làm việc, gắn bó doanh nghiệp hơn, doanh nghiệp ổn định về lao động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam: Đất nước chúng ta thời gian qua có nhiều chuyển động mạnh mẽ, nhất ở các cấp chính quyền, các cơ quan Nhà nước với việc tinh gọn bộ máy để tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam và hoạt động công đoàn từ Trung ương tới Công đoàn cơ sở (CĐCS) cũng có những đổi mới, chuyển biến theo. Cùng với đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) 2024 có hiệu lực từ ngày 1.7.2025 cũng quy định thêm nhiều chức năng của tổ chức công đoàn như chủ trì giám sát, có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội... qua đó nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn trong thực hiện chức năng của mình.
CĐCS, cán bộ CĐCS có thêm hành lang pháp lý để đề xuất nội dung và thực hiện phản biện xã hội theo luật định. Đây là một kênh để chúng tôi phát huy dân chủ, để đại diện bảo vệ đoàn viên, NLĐ; giúp cho không chỉ bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, NLĐ mà còn tốt hơn cho cả doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp thực hiện tốt quy định pháp luật, dân chủ ở cơ sở thì lao động ổn định, doanh nghiệp phát triển.
Chúng tôi mong muốn tổ chức công đoàn áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) để hoạt động chuyên môn của tổ chức công đoàn được nhanh, chính xác, hiệu quả hơn.
Đồng thời, tổ chức công đoàn nhanh chóng thực hiện chương trình xây dựng nhà ở xã hội để đoàn viên, NLĐ được thuê, mua, tiếp cận được chính sách ưu đãi về nhà ở, ổn định cuộc sống, việc làm.
Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam: Chúng ta chào đón năm mới 2025 trong một tâm thế rất phấn khởi, với sự cảm nhận được sự thay đổi lớn lao của đất nước, dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng có sự thay đổi mạnh mẽ với việc sáp nhập nhiều ban chuyên môn ở cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam, tinh gọn bộ máy.
Thời gian tới sẽ có nhiều thách thức với đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là những người hoạt động công đoàn không chuyên trách, vừa phải bảo đảm công việc chuyên môn của doanh nghiệp, vừa phải thực hiện tốt công việc của công đoàn.
Hiện nay, cán bộ CĐCS phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, nhiều khi làm cho CĐCS bị quá tải.
Do đó, mong muốn tổ chức công đoàn cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công việc vào hoạt động của tổ chức công đoàn, đặc biệt là ở CĐCS, giảm thiểu các thủ tục hành chính; đồng thời, quy định rõ ràng hơn nhiệm vụ của CĐCS tập trung các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo trực tiếp đoàn viên, NLĐ.
https://laodong.vn/vi-loi-ich-doan-vien/mong-to-chuc-cong-doan-som-xay-nha-o-xa-hoi-de-nld-thue-1443866.ldo