Trang chủTin tứcCông đoàn 24/7Hoạt động công đoàn
Hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 09:07 14/04/2024 (GMT+7)
Đưa sách văn học đến gần hơn với công nhân lao động

Trong danh mục sách công nhân lao động đề nghị được trang bị cho Tủ sách Công đoàn trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) có các tác phẩm "Muôn kiếp nhân sinh" (Nguyên Phong - tập 1,2,3), "Hài hước một chút thế giới sẽ khác đi" (Lưu Chấn Hồng), "Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ" (Cảnh Thiên)... Có thể thấy không ít công nhân lao động vẫn muốn đọc sách văn học.

Đưa sách văn học đến gần hơn với công nhân lao động
Cán bộ Công đoàn Thành phố và lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi về các đầu sách có trên giá sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa Công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam. Ảnh: CĐKCN

Thích cầm cuốn sách trên tay đọc hơn là nghe đọc trên mạng

Đã lâu rồi, mọi người vẫn nghĩ công nhân lao động trực tiếp không có nhu cầu hoặc không còn thích đọc sách, nhất là sách văn học. Nhưng khi có Tủ sách Công đoàn được đặt tại các Điểm sinh hoạt văn hóa Công nhân hoặc ở các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân mới thấy suy nghĩ này chưa hoàn toàn chính xác. Như tại một Điểm sinh hoạt văn hóa Công nhân trên địa bàn huyện Gia Lâm, kết quả khảo sát của Công đoàn cho thấy, cả 15 đầu sách công nhân lao động mong muốn được bổ sung vào Tủ sách để họ có điều kiện đọc đều là sách văn học như: "Những đứa con cây cầu Long Biên" (Đông Di), "Trống đồng" (tiểu thuyết lịch sử về Hai Bà Trưng)... Đây là tín hiệu rất đáng mừng vì bên cạnh sách về pháp luật để trang bị kiến thức nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ lao động thì công nhân lao động còn mong muốn đọc sách văn học.

Khi Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh) được trang bị Tủ sách Công đoàn, anh La Văn Kình, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, thuê trọ tại đây đã rất vui vì việc có Tủ sách Công đoàn tại khu trọ sẽ giúp công nhân có cơ hội đọc sách, báo miễn phí, tìm hiểu kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động. Đặc biệt là những sách về văn học sẽ giúp cuộc sống của họ trở nên phong phú hơn. Hay như chị Trần Thị Thúy, công nhân đang thuê trọ tại một Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân trên địa bàn xã Hải Bối, huyện Đông Anh, bản thân chị rất thích đọc sách, báo, nhất là các sách văn học, giải trí. Nhưng chị phải làm việc cả ngày nên ít có thời gian đọc sách và thật sự thì “cũng không có kinh phí để đi mua sách” - chị Thúy nói. Từ khi khu trọ trang bị Tủ sách Công đoàn, mỗi tối chị Thúy đều sắp xếp thời gian để đến đọc sách miễn phí. Trước đó, đôi lúc chị cũng lên mạng nghe các chương trình đọc truyện nhưng chị vẫn thích cảm giác được cầm cuốn sách trên tay để trực tiếp đọc hơn...

Người lao động Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh tìm đọc sách tại tủ sách của Công ty. Ảnh: Ngọc Ánh
Người lao động Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh tìm đọc sách tại tủ sách của Công ty. Ảnh: Ngọc Ánh

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thị xã Sơn Tây cho biết, mới đây Liên đoàn Lao động Thị xã đã tổ chức khảo sát Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty Cổ phần K.I.P Việt Nam - nơi có đông công nhân lao động làm việc để nắm bắt tình hình đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu đọc sách, báo của công nhân lao động. Qua khảo sát thấy rõ hiện trạng sau những giờ lao động trong phân xưởng, công nhân trở về xóm thuê, tập thể, tất cả mọi sinh hoạt gói gọn trong phòng thuê chật hẹp, ngoài ngủ thì công nhân chủ yếu làm bạn với chiếc điện thoại. Hầu hết công nhân lao động trẻ chưa lập gia đình và cả những gia đình công nhân có con nhỏ rất muốn có cả không gian, thời gian dành cho các hoạt động văn hóa, đọc sách, báo giao lưu, kết bạn nhằm tăng tính tương tác xã hội, trao đổi kinh nghiệm công việc cũng như cuộc sống...

Tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty Cổ phần K.I.P Việt Nam, Tủ sách cho Công nhân đọc còn hạn chế các loại sách. Phần lớn ý kiến của công nhân Công ty mong muốn có thêm đầu sách vào Tủ sách Công đoàn để họ có thể mượn sách, báo đọc ở các phân xưởng trong Công ty. Điều đáng mừng là bên cạnh các đầu sách pháp luật, công nhân mong muốn được trang bị các đầu sách văn học, kỹ năng sống. Với nhiều người đọc sách còn là cách để biết dạy dỗ con cái. Do đó Liên đoàn Lao động Thị xã Sơn Tây đăng ký với Liên đoàn Lao động Thành phố bổ sung các đầu sách cho Tủ sách Công đoàn, trong đó có những cuốn như: "Đắc Nhân Tâm", "Thức dậy muốn đi làm".

Phát triển văn hóa đọc bằng cả chủ trương và kinh phí

Trong tháng 4 này, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trên địa bàn Hà Nội sẽ hoàn thành khảo sát, đăng ký, triển khai xây dựng mới, sửa sang, trang trí, bổ sung các đầu sách cho Tủ sách Công đoàn tại các Khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa Công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2024. Việc thành lập mới, bổ sung các đầu sách cho Tủ sách Công đoàn hiện được Liên đoàn Lao động Thành phố thực hiện từ tháng 5 và hoàn thành trong năm 2024.

Cũng theo kế hoạch này, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội triển khai tới các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng, khai trương các “Tủ sách Công đoàn”, bổ sung thêm các đầu sách cho các Tủ sách hiện có, gồm xây dựng mới 10 Tủ sách Công đoàn tại các Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa trong các doanh nghiệp; trang bị, bổ sung 20 bộ sách cho các Tủ sách Công đoàn hiện có. Đối với đầu sách trong các Tủ sách Công đoàn có nhóm sách về Văn hóa, Lịch sử, Văn học, sách về kỹ năng sống, giải trí...

Kinh phí thực hiện là từ nguồn kinh phí của Liên đoàn Lao động Thành phố, của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác (nếu có). Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cấp kinh phí thành lập 10 Tủ sách Công đoàn (mua tủ sách, sách), mỗi Tủ sách trị giá 10.000.000 đồng. Trang bị sách cho 20 Tủ sách Công đoàn hiện có, với giá trị mỗi bộ sách là 3.000.000 đồng...

Tủ sách Công đoàn tại Điểm sinh hoạt văn hóa Công nhân ở Công ty Cổ phần môi trường Tây Đô có cả sách pháp luật, sách văn học, sách thưởng thức phục vụ nhu cầu đọc của người lao động. Ảnh: Ngọc Ánh
Tủ sách Công đoàn tại Điểm sinh hoạt văn hóa Công nhân ở Công ty Cổ phần môi trường Tây Đô có cả sách pháp luật, sách văn học, sách thưởng thức phục vụ nhu cầu đọc của người lao động. Ảnh: Ngọc Ánh

Có thể thấy đây là một trong những nỗ lực của Công đoàn để thúc đẩy văn hóa đọc trong công nhân viên chức lao động, nhất là công nhân lao động trực tiếp. Việc đưa sách văn học đến gần hơn với công nhân lao động là nhằm tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách và việc đọc sách trong học tập, đời sống. Đây cũng là cách tốt nhất, nhanh nhất để đoàn viên, công nhân lao động hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách.

Việc xây dựng các Tủ sách Công đoàn còn khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong công nhân viên chức lao động. Để từ đó góp phần xây dựng xã hội học tập. Xây mới, bổ sung các đầu sách cho Tủ sách Công đoàn tại các Khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa Công nhân và trong các doanh nghiệp năm 2024 cũng là hoạt động thiết thực chào mừng 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2024), 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024).

https://laodong.vn/cong-doan/dua-sach-van-hoc-den-gan-hon-voi-cong-nhan-lao-dong-1326545.ldo

LINH NGUYÊN (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: