Chăm lo cho lao động tự do
Tính đến tháng 9.2024, tại Quảng Nam có 15 nghiệp đoàn cơ sở (NĐCS) bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Trong đó, có 11 nghiệp đoàn nghề cá, 1 nghiệp đoàn xích lô, 1 nghiệp đoàn ghe bơi, 1 nghiệp đoàn nhóm trẻ mầm non tư thục và 1 nghiệp đoàn tiểu thương, với gần 8.000 lao động.
Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành hiện có số lượng tàu cá nhiều nhất tỉnh với 208 tàu cá (340 đoàn viên), chủ yếu là tàu công suất lớn, từ 700CV đến 1.000CV tham gia khai thác xa bờ.
Ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang đều nhớ mặt, quen tên hầu như chủ tàu cá.
Theo ông Điểu, qua thực tế, hoạt động khai thác hải sản xa bờ là nghề gặp rủi ro cao; ngư dân và đoàn viên có nguy cơ thiệt hại về cả tính mạng lẫn phương tiện, tài sản do ảnh hưởng của thời tiết và những bất ổn về tranh chấp ngư trường.
Tuy nhiên, với sự động viên của nghiệp đoàn nghề cá cùng khát vọng vươn khơi bám biển của ngư dân và đoàn viên nên bà con đã vượt qua khó khăn, thu được kết quả đáng ghi nhận, sản lượng khai thác mỗi năm hơn 17.000 tấn, giúp mỗi thuyền viên thu về hơn trăm triệu đồng/năm.
“Với sự hướng dẫn của nghiệp đoàn, chúng tôi đã tuân thủ chặt các quy định về IUU, nỗ lực cùng ngành chức năng của tỉnh gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Nghiệp đoàn luôn chung tay hỗ trợ, sẻ chia để đoàn viên sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển” - thuyền trưởng Lương Văn Viên (tàu QNa-90129TS, xã Tam Quang) cho biết.
Nâng cao vị thế Công đoàn
Theo ông Phan Phước Tùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô TP Hội An (1 trong gồm 81 Chủ tịch Công đoàn cơ sở, NĐCS tiêu biểu giai đoạn 2021-2023, vừa được LĐLĐ Quảng Nam biểu dương cuối tháng 8.2024), nghiệp đoàn đang có hơn 100 đoàn viên là những người đạp xích lô phục vụ du khách ở phố cổ Hội An.
Từ khi có nghiệp đoàn, các thành viên đều hoạt động bài bản, không có hiện tượng tranh giành khách mà tương trợ nhau cùng làm việc, cùng đóng góp công sức xây dựng phố cổ Hội An thân thiện, mến khách.
Trao đổi với PV Lao Động, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hội An là thành phố du lịch xanh, thân thiện, dựa vào cộng đồng nên luôn ưu tiên các giải pháp nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế cho người dân - chủ thể của du lịch cộng đồng.
“Thu nhập của lái xe xích lô có thời điểm lên đến cả triệu đồng mỗi ngày. Ngoài đảm bảo thu nhập, những thành viên nghiệp đoàn lái xe xích lô, xe điện, taxi đều được tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phục vụ du khách. Đã có nhiều trường hợp lái xe nhặt được của rơi, trao trả lại cho du khách, qua đó quảng bá thêm về hình ảnh Hội An nhân tình thuần hậu” - ông Sơn nói.
Tương tự, sau gần 2 năm thành lập, Nghiệp đoàn Nhóm trẻ tư thục TP Tam Kỳ không chỉ là mái nhà chung của hơn 330 cô giáo, nhân viên các lớp mầm non tư thục, mà còn đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên.
“Bên cạnh việc tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do công đoàn cấp trên tổ chức, Nghiệp đoàn Nhóm trẻ tư thục TP Tam Kỳ còn được các ngành của thành phố hỗ trợ tổ chức đối thoại, thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn” - bà Trần Thị Ly Na - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nhóm trẻ tư thục TP Tam Kỳ chia sẻ.
Ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đánh giá, sự ra đời của các nghiệp đoàn nghề nghiệp đã giúp lao động tự do được thụ hưởng các chính sách, quyền lợi của tổ chức Công đoàn dành cho đoàn viên, lao động. Qua đó, giảm bớt rủi ro xảy ra với người lao động, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của các nghiệp đoàn mới thành lập, để trợ lực cho các nghiệp đoàn - xứng đáng là chỗ dựa của người lao động.