Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, về vấn đề này.
Thưa ông, khi thực hiện sắp xếp lại và tinh gọn bộ máy, nhiều người sẽ phải thay đổi công việc. Điều này cần được giải quyết như thế nào để cán bộ, công chức, viên chức bớt nỗi tâm tư?
- Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng như tinh giản biên chế chắc chắn sẽ tạo ra tâm tư, lo ngại đối với không ít cán bộ, công chức, viên chức, bởi đây là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của họ.
Để thực hiện được quá trình này, sẽ có nhiều người phải hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung.
Trong trường hợp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn.
Tôi cũng cho rằng, điều quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Cán bộ, công chức, viên chức không chỉ hy sinh vì lợi ích của tập thể mà phải cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.
Chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, tạo cơ hội việc làm mới cho những người bị ảnh hưởng là một phần quan trọng của quá trình này. Khi họ cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, mà thực sự có sự hỗ trợ để thích ứng với môi trường mới, họ sẽ dễ dàng chấp nhận và tham gia vào quá trình này với tâm lý tích cực hơn. Chính sách phải có sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực thì mới có thể thu hút được sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Vừa qua, chúng ta đã có những cơ chế, chính sách nổi trội để khuyến khích nhiều người nghỉ hưu sớm. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Việc đưa ra cơ chế, chính sách đủ mạnh và hấp dẫn để khuyến khích những cán bộ còn 2-3 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu sớm nhường vị trí cho thế hệ trẻ là một cơ chế, chính sách rất phù hợp trong thời điểm chúng ta đang thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.
Điều này không chỉ giúp tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ có cơ hội phát triển mà còn đảm bảo sự luân chuyển, đổi mới trong hệ thống quản lý, phù hợp với tinh thần “tinh, gọn, mạnh” mà chúng ta đang hướng tới.
Tuy nhiên, để khuyến khích cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu sớm, cần triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành, đảm bảo công bằng và nhân văn. Những chính sách này cần tạo ra sự hấp dẫn cả về mặt tài chính lẫn quyền lợi, như hỗ trợ tài chính tương xứng với thời gian nghỉ hưu sớm, hoặc đảm bảo các chế độ hưu trí đầy đủ, không làm thiệt thòi cho họ.
Quan trọng hơn, chính sách cần thể hiện sự tôn trọng và ghi nhận những đóng góp của thế hệ cán bộ này trong suốt thời gian công tác. Đây không chỉ là vấn đề quyền lợi mà còn là cách để giữ vững tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong hệ thống chính trị.
Cùng với việc đưa ra các chế độ chính sách đủ mạnh, Nhà nước sẽ phải bỏ ra một khoản chi khá lớn. Theo ông, Nhà nước nên sử dụng nguồn lực nào để triển khai nhiệm vụ này?
- Nhà nước cần sử dụng nguồn lực tài chính một cách khéo léo, hiệu quả và cân đối. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi không chỉ sự đầu tư mà còn là sự minh bạch và trách nhiệm trong việc quản lý nguồn lực.
Trước hết, ngân sách Nhà nước là nguồn chính để triển khai các chính sách này. Tuy nhiên, để giảm áp lực lên ngân sách, cần tập trung vào việc tái cơ cấu chi tiêu công, cắt giảm các khoản chi không hiệu quả, lãng phí. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm mà còn tạo ra nguồn lực dồi dào để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng như hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu sớm, đào tạo lại, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Nhà nước cũng có thể khuyến khích hợp tác công - tư trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại lao động. Các doanh nghiệp tư nhân, thông qua các chương trình hợp tác, có thể đóng góp một phần kinh phí, đồng thời hưởng lợi từ việc tuyển dụng những nhân sự có kinh nghiệm và trình độ.
Bên cạnh đó, một nguồn lực không kém phần quan trọng là từ chính việc tinh gọn bộ máy. Khi tổ chức được thu gọn, chi phí hành chính giảm đi, nguồn tiết kiệm này hoàn toàn có thể tái đầu tư để hỗ trợ các chính sách liên quan. Đây là cách làm hiệu quả, vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa đảm bảo tính bền vững trong dài hạn.
Xin cảm ơn ông!
https://laodong.vn/cong-doan/co-hoi-nghe-nghiep-moi-cho-nguoi-bi-tinh-gian-bien-che-1450221.ldo