Công đoàn Việt Nam tổ chức không thể thiếu của giai cấp công nhân và người lao động
(LĐTĐ) Thời gian qua trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận những đổi mới cũng như hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn và một số nội dung quan trọng của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII nhằm tạo ra những luồng dư luận xấu, phá vỡ sự đồng thuận xã hội, gây khó khăn cho việc triển khai những nội dung đã được quyết nghị.
Nền tảng quan trọng để Công đoàn Việt Nam hoàn thành sứ mệnh
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức vào tháng 12/2023 đã quyết nghị 3 khâu đột phá gồm đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
|
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức vào tháng 12/2023 đã quyết nghị 3 khâu đột phá; xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tập trung đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. |
Đây là nền tảng quan trọng để Công đoàn Việt Nam hoàn thành sứ mệnh của mình với vai trò vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bởi vì, trong bối cảnh số lượng công nhân, người lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng, chuyển mạnh sang khu vực ngoài Nhà nước; sự xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp… đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thế nhưng, thời gian qua trên không gian mạng xuất hiện nhiều bài viết, bài bình luận thiếu khách quan, thậm chí bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận một số nội dung quan trọng của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam nhằm tạo ra những luồng dư luận xấu, phá vỡ sự đồng thuận xã hội, gây khó khăn cho việc triển khai những nội dung đã được quyết nghị. Cụ thể là đưa ra các luận điệu cho rằng khâu đột phá của Đại hội Công đoàn Việt Nam “không có gì mới”, “thiếu nhiều giải pháp cơ bản” nên “không thể nào đấu tranh hiệu quả cho người lao động”. Đây là những luận điệu sai trái đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số thế lực thù địch thường xuyên “xới lại” những cuộc ngừng việc tập thể của công nhân tại một số địa phương đã được tổ chức Công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng và người sử dụng lao động giải quyết hài hòa trên tinh thần hợp tác tiến bộ để lồng ghép các luận điệu nhằm “đẩy nóng” vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động, từng bước thực hiện mưu đồ kích động, lôi kéo người dân gây sức ép với chính quyền sớm cho phép các tổ chức của người lao động tại cơ sở được hoạt động.
Không chỉ vậy, chúng còn núp bóng cái gọi là “bảo vệ người lao động” nhưng thực chất là thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây chia rẽ, làm suy yếu mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, qua đó chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thực tế là, hoạt động công đoàn ngay sau Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, có nhiều điểm mới, tiếp tục hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm và thu hút người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn. Ngay trong quý I năm 2024, các cấp Công đoàn đã thành lập được 627 Công đoàn cơ sở, kết nạp mới 68.917 đoàn viên công đoàn; giới thiệu 16.322 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.
Công đoàn lấy nhu cầu, lợi ích của người lao động làm căn cứ hoạt động
Ngay sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn sớm xây dựng các văn bản cụ thể hóa để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 được ban hành là giải pháp quan trọng góp phần hoàn thành chỉ tiêu có “85% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và Công đoàn”.
|
Đoàn viên Công đoàn tỉnh Bình Dương vui mừng được lên “Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức để về quê đón Tết, sum họp cùng gia đình. |
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thành công, cũng là thời điểm gần đến Tết Nguyên đán 2024. Mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp đều hướng vào chăm lo Tết đủ đầy cho đoàn viên, người lao động, hiều cách làm mới, sáng tạo được triển khai thực hiện. Theo đó, đã có trên 10,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 7.025 tỷ đồng; có gần 244 nghìn lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ vé tàu, vé xe, vé máy bay, với tổng số tiền hỗ trợ trên 106 tỷ đồng.
Các cấp Công đoàn đã tổ chức và phối hợp với cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tổ chức 5.049 chuyến xe tập trung miễn phí đưa trên 170.150 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết với tổng số tiền gần 49 tỷ đồng. Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2024”, “Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2024” để hỗ trợ miễn phí cho gần 1.300 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc có thành tích xuất sắc làm việc ở các tỉnh phía Nam, có quê ở phía Bắc về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc sau Tết, với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Các cấp Công đoàn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Quyết định số 7785/QĐ-TLĐ ngày 25/8/2023 sửa đổi Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn; đã có gần 90.000 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ với số tiền trên 120 tỷ đồng.
|
Cán bộ Công đoàn góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi. |
Cùng với đó là tham gia có hiệu quả việc góp ý, phản biện đối với các dự án Luật có liên quan mật thiết đến đoàn viên, người lao động như dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội; tập trung hoàn thiện dự thảo hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật, từ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát huy vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, Công đoàn Việt Nam đã tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng. Theo đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ ngày 1/7/2024. Đây là đề xuất đáp ứng được mong mỏi của hàng triệu lao động, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu...
Có thể khẳng định những kết quả hoạt động rõ nét trên là hành động cụ thể, thiết thực thể hiện quyết tâm triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cùng những quyết sách quan trọng của tổ chức Công đoàn vào cuộc sống; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước; thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.
https://laodongthudo.vn/cong-doan-viet-nam-to-chuc-khong-the-thieu-cua-giai-cap-cong-nhan-va-nguoi-lao-dong-168486.html
THEO BÁO LAO ĐỘNG THỦ ĐÔ