Vợ chồng công nhân bộn bề nỗi lo khi Tết đến gần
Khoản lương công nhân vốn ngày thường chỉ tạm đủ lo cho gia đình 4 người. Tết đến gần, áp lực của người đàn ông gánh vác việc gia đình khiến chồng chị Hồng nén tiếng thở dài. Nhưng nỗi lo lắng của người phụ nữ ở chị Hồng lại chẳng thể giấu nổi...
Sức khỏe yếu, chị Nguyễn Thị Hồng - công nhân Khu Công nghiệp Yên Phong (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vẫn gắng gượng đi làm để lo cho gia đình.
"Có những lúc mệt không thở nổi, vẫn cố mà đi làm. Bây giờ không đi làm lấy gì lo cho các con!", chị Hồng nói.
Vợ chồng chị Hồng đã làm công nhân trong khu công nghiệp này được gần 10 năm. Hai con nhỏ một cháu học lớp 6, một cháu học lớp 5, không ít lần, vợ chồng chị phải sống trong cảnh "giật gấu vá vai" vì các khoản chi phí trong gia đình.
Chồng chị Hồng là lao động tự do, không có thu nhập ổn định. Còn chị, với mức lương 4,6 triệu đồng/tháng, tháng nào tiêu hết tháng đó, không để dư được đồng nào.
Tết ngày một đến gần hơn, như nhiều công nhân khác tại đây, chị Hồng chỉ biết bày tỏ nỗi lo lắng qua những tiếng thở dài. “Tôi chỉ còn biết trông chờ vào khoản tiền lương tháng này cũng như số tiền thưởng Tết”, chị Hồng nói.
Anh Nguyễn Vi Đông đã làm công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được 4 năm. Đây cũng là khoảng thời gian anh phải xa vợ con, kiếm sống cho cả gia đình.
Công ty anh Đông là một trong những công ty không bị giờ làm, công nhân vẫn làm việc đều đặn một ngày 8 tiếng. Thu nhập trung bình một tháng của anh khoảng trên 7 triệu đồng.
Khi được hỏi số tiền này có đủ để trang trải cuộc sống không, anh lắc đầu: “Biết thế nào là đủ. Mỗi tháng tôi gửi về cho vợ con khoảng 3-4 triệu đồng. Vợ tôi ở nhà làm ruộng và chăm hai con nhỏ, một cháu 4 tuổi, một cháu học lớp 1. Riêng tiền học của hai đứa đã tốn gần hết số lương của tôi rồi”, nam công nhân tâm sự.
Nhắc đến Tết, anh Đông cũng tặc lưỡi, không muốn nghĩ. Bởi với anh, chi phí gửi về cho gia đình hàng tháng đã là nỗi lo lớn. "Tết có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Bây giờ muốn có tiền hơn nữa cũng không thể", anh Đông tâm sự.
Quê ở xa, gia đình chị Trần Thị Hòa - Công nhân KCN Thăng Long thường bắt đầu di chuyển về quê từ ngày 27 Tết Âm lịch. Một lượt tiền vé xe về quê của 3 người mất 600.000 đồng; tiền taxi đi từ trung tâm TP. Vinh (Nghệ An) về đến nhà chị mất thêm 250.000 đồng. Chưa kể, chi phí ăn uống trên dọc đường cũng đắt hơn ngày thường.
“Năm ngoái tôi dậy sớm cắm nồi cơm, luộc thêm mấy quả trứng. Trên đường đi về quê, khi nào đói cả nhà bỏ ra ăn, đỡ tốn tiền ở trạm dừng. Năm nay tôi cũng sẽ chuẩn bị như vậy” - nữ công nhân tâm sự.
Chị Hòa nhắc về khoản đáng lo hơn đó là chi phí cần để mua đồ Tết, biếu quà Tết cho cha mẹ, nội ngoại; mua sắm thực phẩm sử dụng trong mấy ngày Tết; tiền lì xì... Tính sơ sơ cũng đến 10 triệu đồng.
Sau Tết, trở lại công ty làm việc, anh chị lại mất chi phí xe lượt ra. Không chỉ vậy, chi phí sinh hoạt những ngày đầu năm cũng khiến chị quẩn quanh trong nỗi lo toan bộn bề.
https://laodong.vn/cong-doan/vo-chong-cong-nhan-bon-be-noi-lo-khi-tet-den-gan-1137037.ldo
HẠNH HÂN (báo lao động)