Thu nhập bấp bênh, bạn tàu không mặn mà
Anh Trần Quốc Trọng ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có 10 tàu khai thác, hiện 1 tàu nằm bờ vì chưa tìm được lao động, 9 chiếc đang vươn khơi nhưng vẫn không đủ số lượng ngư phủ. Anh Trọng cho hay, mỗi tàu cào đôi từ 18 - 20 người, còn tàu lưới cũng từ 12 - 15 người, nhưng thời gian gần đây các tàu này đều thiếu khoảng 3-4 người.
Theo anh Trọng, nguyên nhân thiếu hụt lao động là do những năm gần đây sản lượng thủy sản giảm, giá bán không ổn định, chi phí xăng dầu tăng cao nên có chuyến ra khơi lỗ vốn. “Đó cũng là lý lo nhiều người từ giã nghề biển”, anh Trọng nói.
Ngư dân Nguyễn Hoàng Tâm ở thị trấn Trần Đề cho biết, việc tìm ngư phủ cho tàu là chuyện vô cùng khó, lao động nghề biển ngày càng khan hiếm. “Đi biển thường 1-3 tháng mới vào bờ nên người trẻ không thích làm hoặc có đi thì lại không chịu được sóng gió, không thạo nghề; người có kinh nghiệm lại lớn tuổi, không đảm bảo sức khỏe”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cho hay, trước kia cách vài ngày tàu chuẩn bị ra khơi, chỉ cần vài cuộc gọi thông báo đã tập hợp đầy đủ lao động xuống tàu, nay phải tìm trước nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mà có khi không đủ số lượng.
Theo một số chủ tàu ở Cảng cá Trần Đề, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động đi biển là lao động từ bỏ nghề biển chuyển sang làm công nhân, thợ hồ,... mặc dù thu nhập thấp hơn nhưng ổn định, không nguy hiểm, đặc biệt không thường xuyên xa nhà.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 1.000 tàu với tổng công suất 209.050CV; tổng số lao động hoạt động nghề cá toàn tỉnh khoảng trên 307.000 người, trong đó khoảng 8.614 lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển.
Cho ứng tiền để giữ chân lao động
Trước tình cảnh thiếu hụt lao động, để giữ chân bạn tàu, nhiều chủ tàu cá phải cho lao động ứng tiền từ 15 - 25 triệu đồng trước chuyến đi. “Mỗi tàu cần từ 15 - 20 ngư phủ, tính ra phải ứng trước trên 200 triệu đồng. Đó chưa tính đến chi phí xăng dầu, nguyên liệu và chi phí ăn uống trong khi việc đánh bắt thủy sản chưa biết lời lỗ ra sao”, ngư dân Trần Quốc Trọng nói.
Cũng theo anh Trọng, không cho mượn thì bạn không chịu xuống tàu, còn đưa tiền rồi thì lại có trường hợp họ nhận xong tiền rồi bỏ trốn. Chủ tàu phải tìm lao động khác thế vào và cũng phải ứng tiền trước cho lao động đó. “Nhiều lúc đã chuẩn bị xong đá lạnh, xăng dầu chuẩn bị ra khơi thì ngư phủ bỏ trốn đi, mất liên lạc. Chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm nhân công”, anh Trọng nói.
Theo ngư dân Nguyễn Hoàng Tâm, lênh đênh trên biển đã rất cực nhưng chuyện cực hơn là phải giữ và tìm ngư phủ. Bởi theo ông Tâm chuyện ngư phủ ứng tiền xong rồi “lặn” mất diễn ra rất thường xuyên. “Có lần chỉ còn vài giờ đồng hồ là tàu ra khơi mà ngư phủ đến không đủ, con tôi phải chạy đến tận nhà để tìm nhưng không gặp. Họ bỏ xứ đi mất, có khi sau này gặp lại cũng chẳng chịu trả tiền mình” - ông Tâm nói.
Ngư dân Trần Văn Tươi cho hay, mấy ngày trước khi tàu của ông khai thác gần huyện Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu) thì có 3 ngư phủ bỏ tàu lên đảo. “Kiếm lao động đã khó mà họ còn làm việc như vậy chủ tàu càng khó hơn”, ông Tươi chua xót nói.
Cũng theo chia sẻ của nhiều chủ tàu, những gia đình có số lượng tàu đông, để đủ tiền ứng trước cho lao động họ phải đi vay tiền với lãi suất cao. Nhận tiền xong lao động tìm cách trốn, để chủ tàu “ôm nợ” rồi lại vay tiếp để trả công cho lao động mới.
Ngoài ra, việc cho lao động ứng tiền trước hầu như không có hợp đồng, giấy tờ chứng minh. “Đa phần lao động họ không chịu làm giấy tờ, chủ tàu chỉ giữ giấy Chứng minh nhân dân của họ để xuất trình với lực lượng Biên phòng mỗi khi ra khơi. Và khi trốn họ sẵn sàng bỏ cả giấy tờ tùy thân”, ngư dân Mai Thanh Đông nói.
https://laodong.vn/cong-doan/ung-tien-truoc-van-khong-giu-duoc-chan-lao-dong-nghe-bien-1396749.ldo