Chạy xe đến nửa đêm
Ông Đàm Văn Nga, 65 tuổi, trú tại Đội 7 Yên Xá, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) là thương binh hạng 4/4. Mỗi tháng, ngoài hơn 3 triệu đồng lương thương binh, ông Nga có thêm thu nhập từ nghề lái xe ba gác chở hàng cho các mối quen.
Theo ông Nga, 2 người con của ông đã lập gia đình, mỗi tháng có phụ giúp bố mẹ chút đỉnh nhưng do vợ ông mắc nhiều bệnh mãn tính, không có khả năng lao động nên ông phải tranh thủ chạy xe để thêm tiền lo thuốc thang cho vợ.
“Tôi có dăm sáu mối hàng quen của người trong làng, trong xã, chủ yếu là chở hộp xốp từ làng nghề sản xuất cho các hàng cơm và bỏ mối một số loại nguyên phụ liệu may mặc. Ngoài ra, một số xưởng vẽ cũng thuê tôi chở tranh cho khách nhưng lịch không cố định”, ông Nga nói.
Những ngày này, ông Nga tất bật nhận thêm đơn hàng chở cây cảnh từ một số cửa hàng bán hoa lan, quất… ở đường Phạm Tu (Thanh Trì, Hà Nội). Ông Nga cho hay, nhiều công ty, doanh nghiệp mua cây sớm từ đầu tháng Chạp để trang trí văn phòng, công sở nên ông chở hoa, cây cảnh đi khắp thành phố. “Thu nhập 1 tháng giáp Tết năm ngoái nhờ chở đào, mai, lan của tôi được 18 triệu đồng, bằng mấy tháng thấp điểm. Năm nay kinh tế khó khăn, hoa và cây cảnh bán chậm hơn nhưng tôi dự đoán vẫn được hơn 10 triệu đồng”, ông Nga nói.
Anh Hoàng Công Tú ở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) làm nghề chạy xe ôm khu vực bến xe Yên Nghĩa. Mấy năm nay, cận Tết anh Tú lại nhận mối chở đồ ăn từ bến xe đi ship quanh thành phố cho người họ hàng có mối hàng thức ăn và hải sản đông lạnh từ Quảng Ninh gửi lên. “Chả mực, tôm cua, bề bề bóc nõn… là những mặt hàng tôi ship liên tục những ngày cận Tết. Mỗi chuyến hàng tôi nhận khoảng 1,5 tạ hàng đủ loại từ xe khách, sau đó theo đúng địa chỉ, số điện thoại của từng đơn hàng đi ship hết trong ngày. Có hôm nhận hàng 8g sáng, do nhiều đơn lẻ nên ship đến 23 giờ đêm mới xong đơn cuối cùng; nhàn nhất là những hôm nhận cả tạ hàng nhưng chỉ phải ship cho 2-3 mối sỉ”, anh Tú nói.
Theo tiết lộ của anh Tú, riêng tháng cận Tết 2 năm gần đây, tiền ship hàng anh thu nhập gấp 5 lần chạy xe ôm. “Mỗi tuần tôi nhận 5 chuyến hàng, từ thứ 3 - thứ 7 hằng tuần. Mỗi đơn ship chia theo khoảng cách, cân nặng… thu nhập trung bình mỗi ngày nhận hàng được 500.000-600.000 đồng”, anh Tú chia sẻ.
Mong đóng BHXH
Ông Nga là thương binh, được đóng BHXH, đa số lao động tự do như anh Tú đều không được đóng BHXH, nếu muốn tham gia, họ phải đăng ký đóng tự nguyện. Tuy nhiên, do thu nhập eo hẹp lại lo đủ thứ chi tiêu cho cuộc sống nên không phải ai cũng quan tâm tham gia đóng BHXH sớm. Như trường hợp anh Tú năm nay đã 40 tuổi, lứa tuổi mà anh nhận định “nửa muốn đóng nửa không, nửa muốn tham gia nửa sợ quá muộn”.
Chị Mai Thị Thu là nhân viên ship hàng của một công ty chuyển phát. Kho hàng chị Thu làm việc đóng tại đường Phùng Hưng (Phúc La, Hà Đông, Hà Nội). Theo chị Thu, phụ nữ làm nhân viên ship hàng vốn thiệt thòi hơn nam đồng nghiệp do sức khỏe kém, khối lượng chở cũng ít hơn… nhưng chị không có nhiều lựa chọn vì công việc này với yêu cầu thời gian phù hợp với mẹ đơn thân nuôi 1 con gái như chị. Những ngày giáp Tết, đơn hàng nhiều, chị thậm chí nhờ hàng xóm cho con gái ăn tối để tăng ca, kiếm thêm thu nhập.
Ước mong của chị Thu là chỉ làm nhân viên giao hàng khoảng 2 năm nữa, khi con vào lớp 1 chị sẽ xin làm công nhân để có thu nhập ổn định, được đóng BHXH để đỡ gánh nặng khi về già. “Tôi đã nhắm một công ty và 1 trường tiểu học gần nơi đang thuê trọ, con vào lớp 1 tôi sẽ xin làm công nhân và xin cho con đi học ở trường công”, người mẹ 28 tuổi chia sẻ mơ ước…