Ngổn ngang mất việc
Công ty khó khăn, nhiều công nhân, người lao động mất việc đột ngột khiến cuộc sống của gia đình họ khó khăn, bối rối. Tiền lo cho con cái học hành, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trở thành gánh nặng với không ít người...
Rối bời vì không có tích lũy
Chị Đàm Thị Thu là nhân viên hành chính một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối bếp từ, đóng tại đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội). Gọi là nhân viên hành chính nhưng công việc của chị Thu khá vất vả, từ chấm công, kiểm kê giấy tờ xuất - nhập kho, thậm chí kiêm cả nhân viên bán hàng những giai đoạn bận rộn. Với mức lương 9 triệu đồng/tháng, địa bàn làm việc cách nhà chưa đầy 1km, chị Thu khá hài lòng và xác định gắn bó lâu dài với công việc.
Cuối tháng 5.3023, chị Thu nhận được thông báo công ty cắt giảm nhân sự do kinh doanh khó khăn, công việc chị đang làm sẽ được phân bố cho bộ phận kế toán kiêm nhiệm. “Nhận tin như sét đánh ngang tai. Tôi đờ đẫn một hồi rồi dọn đồ đạc về, đi trên đường nước mắt không ngừng rơi. Tôi nghĩ đến hai con vào năm học mới, khoản tiền chi tiêu cố định cho gia đình mỗi tháng... rối bời không làm được gì” - chị Thu nói.
Theo chị Thu, chồng chị làm nhân viên bảo vệ cho 1 tòa chung cư gần nhà, lương chỉ 6 triệu đồng/tháng. Khi chị còn việc, tổng thu nhập của 2 vợ chồng nếu chắt chiu vẫn đủ gia đình sinh hoạt. Vì được bố mẹ chồng cho một gian tập thể cũ nên may mắn chị Thu không phải thuê nhà, nhưng chi phí cho một gia đình 4 người sống giữa Thủ đô với 2 con đang tuổi ăn học là không hề nhỏ.
“Tôi lo lắm. Vợ chồng lấy nhau 13 năm, ngoài món hồi môn, chút tiền vàng gia đình hai bên cho đợt cưới, chúng tôi không có bất cứ khoản tích lũy nào.
May các con không ốm đau. Nhưng giờ tôi mất việc, chưa biết xoay xở ra sao. Tôi mới nhờ chồng thông báo trong khu chung cư anh ấy làm bảo vệ, xem gia đình nào có nhu cầu thuê giúp việc theo giờ hoặc dọn vệ sinh theo giờ thì nhận để làm” - chị Thu chia sẻ.
Anh Đinh Văn Ba (quê Thanh Ba, Phú Thọ) làm công nhân một xưởng cơ khí tại đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội). Thời điểm nhiều việc, thu nhập của anh Ba được 10 triệu đồng/tháng, anh có đủ tiền thuê nhà, ăn ở và gửi về quê giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học.
Lí do mất việc, theo anh Ba, chủ xưởng cơ khí nói các công trình xây dựng đình trệ, xưởng không nhận được đơn hàng nên không thể duy trì sản xuất. “Nếu chỉ trông chờ vào người dân đặt mấy cánh cửa, kệ sắt, tủ hàng... thì đúng là ông chủ cũng không thể duy trì mà trả lương cho chúng tôi” - anh Ba ngậm ngùi nói.
Làn sóng sa thải chưa dừng lại
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo đó, khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, 71,2% dự kiến giảm quy mô sử dụng lao động trên 5%, trong đó 22,2% dự kiến giảm trên 50%. TPHCM, Bình Dương là hai địa phương dự kiến cắt giảm nhiều nhất.
Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Đáng chú ý, tỉ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô.
Trong số 7.333/9.556 doanh nghiệp còn hoạt động, cơ quan nghiên cứu cho biết có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.
Tính theo địa phương, TPHCM có tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%). Bên cạnh đó, có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỉ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn đó, doanh nghiệp cho biết, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
https://laodong.vn/cong-doan/ngon-ngang-mat-viec-1205249.ldo
QUỲNH CHI (báo lao động)