Thu nhập bình quân 11 triệu đồng/tháng vẫn khó tuyển lao động
Ông Huỳnh Văn Chơi - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Việt Hưng (Quận 12, TPHCM) - cho biết, công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm gần 200 công nhân để đáp ứng nhu cầu đơn hàng của khách hàng. Công ty chỉ tổ chức tăng ca tối đa hai ngày/tuần, mỗi ngày tăng ca 3 tiếng; lương của công nhân 9 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân 11 triệu đồng/tháng kèm nhiều phúc lợi như các ngày lễ 30.4, lễ 2.9, Tết đều có thưởng, có tháng lương 13, được nghỉ mát...
“Hiện công ty nhiều đơn hàng, thậm chí phải từ chối một số đơn hàng gia công áo sơmi do không có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng việc tuyển dụng công nhân khó khăn” - ông Chơi nói.
Ông Trần Như Cẩn - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (TP Thủ Đức) - cũng cho biết tình hình đơn hàng đã ổn định đến cuối năm, thậm chí có nhiều đơn hàng của khách hàng truyền thống đã đến hết quý I/2025. Số lượng đơn hàng này chiếm tỉ lệ khoảng 20%.
Để đáp ứng cho những dự án mới, công ty cần tuyển dụng khoảng 500 công nhân. Công nhân chưa có tay nghề, công ty tuyển dụng đào tạo với mức lương khoảng 5-6 triệu đồng và sau khoảng 1 tháng có thể đáp ứng yêu cầu của công ty; công nhân có tay nghề tiền lương tính theo năng suất lao động từ 8-9 triệu đồng/người/tháng và thu nhập khoảng 10-11 triệu đồng/tháng.
Bà Ngô Thị Nga - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May Nhà Bè (Quận 7, TPHCM) - cho biết, do đơn hàng ổn định đến cuối năm, nên công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên, hiện rất khó tuyển dụng một lúc với số lượng lao động lớn mà mỗi tuần công ty cũng chỉ tuyển dụng được khoảng vài chục lao động.
Lao động trẻ không thích ngành may
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty May Song Ngọc (quận Bình Tân, TPHCM) - cho biết, công ty cũng có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 100 lao động để đáp ứng đơn hàng trong dịp Giáng Sinh, thậm chí nhận cả lao động ở độ tuổi 40-45 có đủ sức khỏe vào làm việc nhưng không dễ tuyển dụng lao động. Theo ông Sơn, hiện nhiều lao động trẻ không thích làm việc trong ngành may.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Trưởng Văn phòng Đại diện VITAS TPHCM - cho biết, do biến động chính trị tại Banglades nhiều đơn hàng dệt may ở đây được chuyển về Việt Nam. Thêm vào đó, tình hình chính trị Việt Nam ổn định, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nên xu hướng chung doanh nghiệp nhiều nước tăng cường đầu tư tại Việt Nam và sự dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp ở một số nước sang Việt Nam cũng góp phần làm tăng đơn hàng dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng chung của các đơn hàng này là không nhiều, thời gian giao hàng ngắn, giá lại không cao.
Lý giải cho việc nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, bà Mai cho rằng, tiền lương ngành dệt may không cao, nhiều ngành nghề khác cũng có nhiều đơn hàng nên cạnh tranh về lao động. Thêm vào đó, những lần có biến động như dịch COVID-19, hay khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động dẫn đến người lao động có tính toán khi tìm việc.
Thực tế này cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM ghi nhận. Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM - cho biết, thống kê nhu cầu người tìm việc - việc tìm người trên cổng thông tin việc làm TPHCM theo tiêu chí 27 ngành nghề trong tháng 8.2024 cho thấy, có 7.591 người đi tìm việc và có 9.861 việc tìm người, nghĩa là số người tìm việc ít hơn nhu cầu tuyển dụng.
Trong đó, số người tìm việc lao động phổ thông là 1.963 người, còn nhu cầu việc tìm lao động phổ thông là 5.433, chiếm 55,1% tổng số nhu cầu việc tìm người. Ở ngành da giày, may mặc, có 959 người tìm việc và nhu cầu việc tìm người là 1.324 người. Tức là số nhu cầu tuyển dụng trong ngành da giày, may mặc bằng gần 1,4 lần so với số nhu cầu tìm việc trong lĩnh vực này.
https://laodong.vn/cong-doan/don-hang-nhieu-doanh-nghiep-nganh-may-kho-tuyen-lao-dong-1395707.ldo