Giúp hàng triệu đoàn viên, người lao động bớt khó khăn
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, việc chăm lo cho đoàn viên, NLĐ được tổ chức thường xuyên, liên tục trong các năm qua. Những chương trình như “Tết Sum vầy”, “Tấm vé nghĩa tình”, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, “Mái ấm Công đoàn”… do tổ chức CĐ thực hiện đã giúp cho hàng triệu đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Các chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” được triển khai rộng rãi trong cả nước đã trở thành thương hiệu của tổ chức CĐ và được cả doanh nghiệp, đoàn viên, NLĐ ủng hộ...
Việc chăm lo cho đoàn viên, NLĐ trong đợt dịch COVID-19, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đã được đánh giá cao từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn viên, người lao động, chủ doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, việc chăm lo đòi hỏi cần có chương trình dài hạn, căn cơ cho đoàn viên, NLĐ như lời dặn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: “Tổng LĐLĐ Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày”.
Kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp đóng đủ kinh phí công đoàn
Đại diện LĐLĐ TP Đà Nẵng đề nghị cần nâng tỉ lệ đoàn viên được thông tin đầy đủ các chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức CĐ lên 100%; chương trình CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy” lên 50% và số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được CĐ hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi có yêu cầu lên 100%.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết, hiện nay, 100% CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tại TPHCM đã tổ chương trình “Tết Sum vầy”, vì thế nên cũng cần nâng cao tỉ lệ % CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức chương trình “Tết Sum vầy”. Đồng thời, thống nhất với đề nghị 100% số vụ việc về lao động khởi kiện tại Tòa án được CĐ hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi có yêu cầu, vì theo quy định hiện nay, CĐ có quyền chi tiền thuê luật sư bảo vệ đoàn viên, NLĐ. Sắp tới đây, việc thành lập các trung tâm tư vấn, hỗ trợ cho NLĐ thì sẽ có nhiều nguồn lực hơn để bảo vệ NLĐ.
Ông Tâm cũng kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tổ chức sàn giao dịch thương mại điện tử riêng, trong đó có ưu đãi cho đoàn viên, NLĐ khi mua hàng tại sàn giao dịch này. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non phải đi sớm, về trễ để trông coi con NLĐ trong các khu chế xuất, khu công nghiệp gửi tại các điểm trường, nhóm giữ trẻ.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, hiện nay TPHCM rất quyết liệt trong việc yêu cầu CĐ cấp trên trực tiếp thực hiện thu kinh phí CĐ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Giang - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang - chia sẻ, tại An Giang có doanh nghiệp nợ kinh phí CĐ từ 2006 đến 2023 trên 30 tỉ đồng. CĐ đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp đóng đủ kinh phí CĐ nhưng doanh nghiệp không thực hiện. CĐ đã họp với các ngành chức năng của tỉnh và đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh thanh tra đột xuất. Quá trình thanh tra lập biên bản và cho doanh nghiệp thời gian hợp lý để khắc phục. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn không thực hiện.
“Đến lúc đó CĐ chuẩn bị khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, thì cuối năm 2023 doanh nghiệp mới đóng đủ số tiền kinh phí CĐ còn nợ. Vì thế, cần có giải pháp quyết liệt đối với doanh nghiệp không đóng, chậm đóng kinh phí CĐ”, ông Giang kiến nghị.
Chiều cùng ngày, Tổng LĐLĐVN cũng tổng kết 10 năm (2015 - 2024) thực hiện chương trình “Tết Sum vầy”. Báo cáo tại hội nghị cho biết, tổng hợp đến tháng 2.2024, có 186.944 chương trình “Tết Sum vầy” được tổ chức ở các cấp CĐ, thu hút trên 33 triệu đoàn viên, NLĐ tham gia. Tại các chương trình đã tặng quà cho trên 26,2 triệu đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 10.617 tỉ đồng, trong đó, huy động từ nguồn xã hội hóa là gần 5.847 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 55%).
https://laodong.vn/cong-doan/tap-trung-nguon-luc-cham-lo-phuc-loi-cho-doan-vien-nguoi-lao-dong-1421077.ldo