Có tay nghề, có thu nhập
Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại miền núi tỉnh Quảng Bình. Các lớp đào tạo nghề cho lao động miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người dân.
Hiện nay, huyện Minh Hóa đã tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Anh Đinh Quang Thao (thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) trước khi tham gia lớp đào tạo nghề, thu nhập gia đình chỉ dựa vào vài sào ruộng và làm thuê, cuộc sống rất chật vật. Sau khi hoàn thành khóa học nghề thú y và chăm sóc rừng, anh đã áp dụng kiến thức để phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng.
Dần dần nhân rộng ra, anh đã mở rộng diện tích chuồng trại. Đến nay, mỗi năm anh nuôi 4 lứa gà với khoảng 4.000 con; khoảng 60 con lợn thịt, lợn nái và trồng 4ha rừng. Trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng 300 triệu đồng.
Anh Thao chia sẻ: “Tham gia học nghề là cơ hội lớn với tôi, khi áp dụng vào thực tế đúng khoa học, kỹ thuật sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn, gia đình cũng cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống”.
Tại xã Hóa Hợp (huyện Minh Hóa), người dân lâu nay có nghề nuôi ong lấy mật, nhưng phương thức nuôi truyền thống thường gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ sức khỏe đàn ong cũng như hiệu quả sản xuất. Sau khi tham gia lớp học nghề nuôi ong, ông Đinh Văn Nương và nhiều người dân địa phương đã được tiếp cận với những phương pháp nuôi ong khoa học hơn, giúp nâng cao năng suất và thu nhập.
Ông Nương tâm sự: “Ở đây có lợi thế gần rừng, nên nguồn thức ăn cho ong phong phú. Cùng với việc được học kỹ thuật nuôi ong mới, đàn ong phòng bệnh hiệu quả hơn, nhờ vậy, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn”.
Đào tạo nghề gắn với đặc thù địa phương
Để đạt được hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, địa phương đã dựa vào nhu cầu thực tế của người dân và điều kiện thế mạnh của mình, từ đó lựa chọn nghề phù hợp và hiệu quả.
Ngoài nuôi ong, các nghề khác như trồng nấm; chăn nuôi gia súc gia cầm; chế biến thực phẩm; trồng rau, trồng rừng... cũng đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực. Những nghề này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản mà còn phù hợp với điều kiện tự nhiên của miền núi.
Bà Cao Thị Mỹ Nhạn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa cho hay: “Công tác đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức, mà còn giúp người dân ứng dụng vào thực tế sản xuất hiệu quả. Trung tâm cũng đang hướng đến kết nối người học với các hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm, góp phần tiêu thụ, tăng nguồn thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số”.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
https://laodong.vn/cong-doan/dao-tao-nghe-giai-phap-giup-nguoi-dan-cai-thien-sinh-ke-thoat-ngheo-1421128.ldo