|
IV. Giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (1954 -1975)
1. Thời kỳ 1954 – 1960
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đã nhanh chóng bắt tay tiến hành khôi phục kinh tế.
Năm 1955, ở miền Bắc lực lượng công nhân, viên chức thuộc khu vực sản xuất vật chất có khoảng 76.000 người. Số công nhân, viên chức trong các ngành công nghiệp quốc doanh là 21.200 người, trong đó số công nhân trực tiếp sản xuất là 17.000 người, và hơn 16.000 công nhân làm thuê trong các xí nghiệp tư bản tư doanh thuộc nhiều ngành và một lực lượng thợ thủ công khoảng 298.000 người. TLĐLĐ Việt Nam có 1.100 công đoàn cơ sở và 14 vạn đoàn viên công đoàn.
Hội nghị cán bộ công đoàn toàn miền Bắc, năm 1956, đã xác định công đoàn phải chuyển dần toàn bộ hoạt động của mình vào việc tổ chức và động viên công nhân, lao động tham gia khôi phục sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân lao động miền Nam chống lại sự đàn áp khủng bố của Mĩ- Diệm.
Những hoạt động tích cực của phong trào công nhân và Công đoàn đã góp phần khôi phục kinh tế ở miền Bắc nói chung và công nghiệp miền Bắc nói riêng. Đến cuối năm 1957, tỉ trọng công nghiệp tuy còn thấp nhưng đã chiếm 17,28% thu nhập quốc dân.
Để có cơ sở pháp lý cho hoạt động công đoàn, ngày 5-11-1957, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 108-SL/L10 ban hành Bộ luật Công đoàn. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao vị thế của Công đoàn Việt Nam.
Cho đến năm 1960, số lượng đoàn viên công đoàn có 308.386 người với 2.501 công đoàn cơ sở được phân bổ ở hầu hết các xí nghiệp, công trường, nông trường, cơ quan. Số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách từ cơ sở đến Trung ương là 2653 người. Đội ngũ cán bộ công đoàn không những phát triển về số lượng mà còn tăng nhanh cả về chất lượng.
Trong thời kì 1954-1960, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực với các tổ chức Công đoàn các nước trên thế giới, đặc biệt là tổ chức Công đoàn các nước XHCN. Thông qua hoạt động quốc tế, mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa giai cấp công nhân Việt Nam với giai cấp công nhân thế giới được tăng cường, tạo điều kiện cho nhân dân ta tiến hành cách mạng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Ở miền Nam, công nhân, lao động tiếp tục cuộc đấu tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm trong điều kiện vô cùng khó khăn. Hàng hóa Mỹ và một số nước tư bản tràn vào miền Nam làm cho các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp miền Nam bị đình đốn. Năm 1958, có hơn 80% công nhân ngành Dệt bị sa thải. Năm 1959, số người thất nghiệp ở toàn miền Nam lên tới 1,5 triệu người.
Trong khi đó, Mỹ-Diệm ra sức khủng bố “chống cộng”, “Thanh khiết nghiệp đoàn”, thực hiện chiêu bài “hòa hợp giai cấp”, “lao tư hưởng lợi”, “nghiệp đoàn không làm chính trị”, nhằm tiếp tục chia rẽ phong trào công nhân lao động, loại trừ tư tưởng tiến bộ và hạn chế ảnh hưởng của cách mạng trong công nhân.
Trước tình hình cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam, Đảng đã chỉ đạo các cơ sở trong nội thành, trong các đồn điền phải tìm mọi cách bám đất, bám dân phát triển lực lượng, tổ chức cho công nhân đấu tranh. Vì vậy, từ năm 1954 đến cuối năm 1960 trên toàn miền Nam đã có trên 2.300 cuộc đấu tranh của CNLĐ, tiêu biểu là cuộc xuống đường biểu tình của gần 50 vạn CNLĐ Sài Gòn ngày 1/5/1958, cuộc biểu dương lực lượng của CNLĐ, ngày 1/5/1959 của hơn 20 vạn CNLĐ và nhân dân ở các thành phố lớn ở miền Nam như: Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sài Gòn- Chợ Lớn…
Phong trào CNLĐ miền Nam trong những năm 1954-1960 đã diễn ra mạnh mẽ, đều khắp với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng có tác dụng to lớn đối với phong trào đấu tranh chung của các tầng lớp nhân dân miền Nam nhằm đánh đổ đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai. Phong trào đã liên kết được công nhân nhiều ngành nghề, nhiều địa phương, nhiều tầng lớp nhân dân lao động tham gia. Qua đó, đội ngũ CNLĐ miền Nam được tôi luyện, trưởng thành .
2. Thời kỳ 1960 - 1975
Đây là thời kì giai cấp công nhân ở miền Bắc thi đua lao động sản xuất và chiến đấu, tích cực chi viện cho miền Nam, góp phần thực hiện hai ngọn cờ là Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam do đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Ba của Đảng đề ra.
Từ ngày 23-27/2/1961 Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ II đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - ủy viên TW Đảng được bầu lại làm Chủ tịch đoàn Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu lại làm Tổng thư kí.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, Tổng Công đoàn Việt Nam đã động viên CNVCLĐ thi đua “phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, hưởng ứng phong trào “3 xây, 3 chống” , “Mỗi người làm việc bằng hai”. Các phong trào này đã được đông đảo công nhân, lao động trong các nhà máy xí nghiệp tham gia, điển hình là: Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) và Hợp tác xã thủ công nghiệp Thành Công (Thanh Hóa). Đây là những đơn vị có thành tích xuất sắc trong khối công nghiệp và thủ công nghiệp.
Công đoàn các cấp, thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện thời sự, toạ đàm qua đó làm cho đoàn viên thấy rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm hoàn thành kế hoạch nhà nước; vận động công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật và tổ chức, nâng cao năng suất lao động. Những phong trào thi đua được công đoàn cơ sở đề ra kịp thời, thiết thực như: “tiến quân giành 3 điểm cao” của nhà máy cơ khí Hà Nội, “ Tất cả cho 91 ngày sản xuất an toàn” của Nhà máy Điện Việt Trì…đã thu hút, lôi cuốn đoàn viên hăng say sản xuất, công tác.
Nhiều cán bộ công nhân viên thuộc các ngành Cơ khí, Thương nghiệp, Giao thông… đăng kí tình nguyện giành ba điểm cao: năng suất, chất lượng và tiết kiệm; không khí lao động sản xuất rất sôi nổi trong các công trường, xí nghiệp, cơ quan. Các phong trào thi đua không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giáo dục cho CNVC miền Bắc tình cảm ruột thịt Nam Bắc một nhà.
Từ cuối năm 1964 sang đầu năm 1965 nhịp điệu lao động sản xuất trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp càng sôi động và mạnh mẽ. Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, động viên quần chúng đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Các cấp công đoàn không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lấy bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể XHCN của công nhân, viên chức làm động lực xây dựng tổ chức Công đoàn lớn mạnh.
Những bước tiến mới của phong trào công nhân và Công đoàn trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã góp phần làm cho công nghiệp miền Bắc có những chuyển đổi quan trọng. So với năm 1960, tổng sản phẩm xã hội năm 1965 tăng 52,9% trong đó công nghiệp tăng 84,6%, xây dựng cơ bản tăng 72%. Đến cuối năm 1965, những cơ sở đầu tiên về cơ khí luyện kim, hóa chất được xây dựng và dần đi vào sản xuất. Công nghiệp phát triển thêm nhiều ngành mới, sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới, đáp ứng được 90% nhu cầu hàng tiêu dùng của nhân dân…
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng vừa trực tiếp chiến đấu, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam (tháng 4 năm 1965) đã xác định giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn nêu cao ý chí tiên phong cách mạng cùng toàn dân quyết tâm chiến đấu chống Mỹ và thắng Mỹ nhằm xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực chi viện cho cách mạng miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.
Tháng 10 năm 1965, đoàn đại biểu Tổng Công đoàn Việt Nam và đại diện Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam đã tham dự Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ IV họp ở Ba Lan. Đại hội thông qua nghị quyết kêu gọi các tổ chức công đoàn thế giới và nhân dân thế giới ủng hộ giúp đỡ công nhân Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Với tinh thần “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”, “Tất cả cho tiền tuyến”, CNLĐ cùng quân dân miền Bắc đã phát huy truyền thống lao động cần cù và sáng tạo, chiến đấu mưu trí, dũng cảm đã góp phần bảo vệ, dựng xây, củng cố vững chắc hậu phương lớn và làm tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, đội ngũ công nhân ngành Giao thông vận tải cùng với lực lượng vận tải quân sự và dân công đã đảm bảo chi viện cho miền Nam theo phương châm “Địch đánh ta cứ đi”, "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", “Hàng không thiếu một cân, quân không thiếu một người: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Công đoàn Việt Nam, các Công đoàn ngành TW, các Liên hiệp Công đoàn địa phương đã đề ra nhiều biện pháp vận động công nhân tăng năng suất lao động. Liên hiệp Công đoàn Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh phát động CNVC tiến quân vào khoa học, thi đua cải tiến kĩ thuật, khuyến khích tự trang tự chế để tăng năng suất lao động, tăng giờ làm có ích, tiết kiệm nguyên vật liệu. Liên hiệp Công đoàn Hải Phòng, khu Việt Bắc, Hòa Bình, Hà Tây, Nam Định, Hà Nội… đã kịp thời tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm về cuộc vận động nâng cao năng suất lao động. Công đoàn ngành: Bưu điện, Đường sắt, Kiến trúc, Y tế đã có sáng kiến tổ chức hội nghị liên tịch giữa Công đoàn với chuyên môn, xây dựng kế hoạch hướng dẫn quần chúng thi đua lao động, sản xuất và công tác.
Trong giai đoạn 1965-1968, trên mặt trận sản xuất, mặc dù có nhiều khó khăn mới nảy sinh trong điều kiện cả nước có chiến tranh, CNVC và tổ chức Công đoàn đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, dũng cảm sáng tạo trong sản xuất, kiên cường trong chiến đấu, đã đảm bảo giữ vững sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, giữ vững mạch máu giao thông, vừa sản xuất vưà chiến đấu, tích cực tham gia xây dựng lực lượng tự vệ, huấn luyện quân sự. Hàng ngàn CNVC đã xung phong gia nhập quân đội, trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường.
Từ năm 1969 đến năm 1971, CNVC đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định sản xuất. CNVC ngành giao thông vận tải đã tu sửa, mở mới 233.000km đường, cầu phà, bến cảng, bến sông vận chuyển trên 111.000 tấn hàng hóa và vũ khí vào chiến trường. Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tăng trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ phục vụ các tuyến đường giao thông. Các ngành Nông nghiệp, Thương nghiệp, Bưu điện, Y tế, Giáo dục… đều đạt được những thành tích quan trọng trong phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước.
Tổng Công đoàn Việt Nam chủ động và kịp thời đề ra mục tiêu, nội dung và biện pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất, chăm lo giải quyết những vấn đề cấp thiết về đời sống, sẵn sàng chiến đấu. Tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ lại đánh phá miền Bắc với quy mô ác liệt hơn, tàn bạo hơn. Công đoàn vận động công nhân, bảo đảm giờ công, ngày công giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, bám chỉ tiêu, định mức lao động, giữ vững nội quy kỉ luật lao động và tham gia quản lý sản xuất. Tổng Công đoàn, các Liên hiệp Công đoàn và Công đoàn ngành phân công cán bộ về cơ sở, giúp công đoàn cơ sở chuyển hướng hoạt động và xây dựng tổ chức. Hàng vạn CNVC đã tình nguyện ra mặt trận. Các binh đoàn thợ mỏ, binh đoàn công nhân gang thép đã ra đời trong những năm chiến tranh chống Mĩ và đã lập được nhiều chiến công oanh liệt. Nhiều công đoàn cơ sở đã tổ chức phong trào “ Tiếng hát át tiếng bom” với những buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú.
Từ ngày 11 đến 14-2-1974, Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác công đoàn và phong trào công nhân trong giai đoạn mới. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Tổng thư ký là đồng chí Nguyễn Đức Thuận.
Thực hiện Nghị quyết đại hội, công nhân lao động miền Bắc đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất thực hành tiết kiệm để khôi phục kinh tế miền Bắc, chi viện đắc lực cho miền Nam, phong trào thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm đã thu hút 70% CNVC và 75% số tổ, đội sản xuất tham gia; có 2.018 cơ sở, trong đó 1.580 cơ sở sản xuất kinh doanh đăng kí hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Đến cuối 1973, đã có 919 cơ sở hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao.
Các phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp có tiến bộ. Nhiều địa phương, ngành như Hà Tây, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Công nghiệp năng lượng, cơ khí, hóa chất… đã có nhiều chương trình thi đua phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng và vật nuôi. Các Viện nghiên cứu nông nghiệp đã cử cán bộ kĩ thuật về các hợp tác xã nông nghiệp để hướng dẫn bà con nông dân kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi…
Những thành tựu đạt được trong khôi phục kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm những năm 1973-1975 ở miền Bắc, đã tạo hậu thuẫn cho cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tạo tiền đề cho cả nước đi lên CNXH.
Ở miền Nam, ngày 27 tháng 4 năm 1961, Hội Lao động giải phóng ra đời, đến ngày 1 tháng 5 năm 1965 đổi tên thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam, đã vận động, tập hợp người lao động đấu tranh chống Mỹ- Ngụy trên các mặt trận, bằng nhiều hình thức, biện pháp. Trong 2 năm đầu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1962), CNLĐ miền Nam đã tiến hành trên 8.900 cuộc đấu tranh, với hơn 74 vạn lượt người tham gia. Tiêu biểu là cuộc đình công chiếm xưởng của hơn 400 công nhân hãng dầu Xtanvac ngày 4/9/1961. Cuộc đình công kéo dài 3 tháng, làm tê liệt 100 trạm bán dầu. Cuộc đấu tranh này đã được hàng chục nghìn công nhân của các Đồn điền Cao su ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một và trên 100 nghiệp đoàn công nhân ở Sài Gòn- Chợ Lớn ủng hộ. Giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân tăng lương thêm 6%. Tháng 10/1961, hơn 7000 công nhân Dầu Tiếng đã đình công đòi tăng lương. Cuộc đấu tranh đã lôi kéo hàng nghìn người trong các đồn điền và thị trấn cùng tham gia.
Năm 1963, chỉ riêng ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn đã có 505 cuộc đấu tranh, thu hút trên 20 vạn lượt người tham gia. Ngày 21, 22/9/1964, hơn 20 vạn công nhân, lao động Sài Gòn đã biểu tình, bãi công ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân ngành dệt, đòi chấm dứt đàn áp, đòi tự do, dân chủ. Cuộc tổng bãi công đã làm tê liệt nhiều hoạt động trong thành phố Sài Gòn. Cuộc đấu tranh ở các đô thị còn có sự phối hợp liên kết với công nhân đồn điền và với nông dân các vùng lân cận và với lực lượng vũ trang tấn công các công sở và căn cứ quân sự trong các thành phố.
Những đóng góp của CNLĐ miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã đưa phong trào đấu tranh lên đỉnh cao mới. Mặc dù còn có những hạn chế, song CNLĐ miền Nam đã vượt qua sự khủng bố ác liệt của kẻ thù; duy trì và phát triển phong trào đấu tranh, góp phần cùng nhân dân miền Nam đánh thắng chiến lược “ chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ. Khi đế quốc Mĩ buộc phải đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, LHCĐ giải phóng miền Nam Việt Nam đã tích cực kêu gọi, vận động công nhân và lao động trên thế giới phong trào, ủng hộ “giải pháp 10 điểm” của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chống lại thái độ ngoan cố của đoàn đại biểu Mĩ tại hội nghị Pa Ri. Sau thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dưới sự chỉ đạo của Công đoàn giải phóng, phong trào đấu tranh của công nhân và lao động miền Nam diễn ra sôi nổi rầm rộ đòi Mỹ phải tôn trọng và thi hành hiệp định Pari, kết hợp với đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống sa thải, đòi tự do dân chủ. Từ các cuộc đấu tranh này, nhiều tổ chức của công nhân được thành lập như “ủy ban duy trì quyền sống”, “ủyban bảo vệ quyền lợi lao động”, “Mặt trận chống sa thải công nhân”… Đây là một hình thức tập hợp rộng rãi công nhân, lao động đoàn kết đấu tranh để bảo vệ quyền lợi. Phong trào công nhân ở các đô thị đã có thêm nhiều đội tự vệ xung kích, tự vệ thành, đội thông tin, chuẩn bị sẵn sàng tham gia phối hợp đấu tranh vũ trang trong thành phố.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong thắng lợi đó có sự hỗ trợ và phối hợp nhịp nhàng của lực lượng công nhân ở các đô thị miền Nam. Liên hiệp công đoàn giải phóng đã hướng dẫn cho công nhân chủ động nổi dậy bảo vệ nhà máy, xí nghiệp tiếp quản các cơ sở kho tàng, bảo vệ và tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy điện, máy nước, các phương tiện giao thông và thông tin liên lạc, góp phần ổn định đời sống nhân dân ngay sau ngày giải phóng.
|