Xe ôtô vượt phải trên làn dừng khẩn cấp tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ảnh: Minh Hạnh
Mới đây trên mạng xã hội OFFB, chủ tài khoản Phúc Văn có đăng tải thông tin 2 xe ôtô va chạm nhau khi cùng vượt phải vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc, nhiều ý kiến cho rằng, cả hai xe đều sai khi cùng vượt tại làn dừng khẩn cấp.
Xe vượt lấn làn dừng khẩn cấp. Ảnh: Minh Hạnh
“Anh nào cũng vội cả, thôi thì cả hai bắt tay nhau, hoặc cả 2 anh dắt tay nhau nộp phạt trước rồi đúng sai tính sau”, tài khoản Phúc Văn bình luận.
Sau khi tài khoản này đăng tải, nhiều ý kiến đã cho rằng, việc vượt bên phải là sai, khi vượt không quan sát cũng sai và việc phương tiện đi vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc càng sai.
Vượt bên phải vào làn dừng khẩn cấp tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Ảnh: Minh Hạnh
Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi điều khiển phương tiện đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Ngoài ra, hành vi trên cũng cản trở, gây khó khăn cho các phương tiện đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội – Thái Nguyên… rất nhiều phương tiện cố tình đi vào làn dừng xe khẩn cấp với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc.
Xe nối đuôi nhau đi vào làn khẩn cấp tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Minh Hạnh
Theo quy định, làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc là phần đường được thiết kế để làm nơi dừng đỗ tạm thời của các phương tiện gặp sự cố, để các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hoạt động đảm bảo cho sự lưu thông tốc độ cao của các phương tiện khác.
Các phương tiện khác không được chạy xe và không tự ý dừng xe ở làn dừng xe khẩn cấp, trừ xe ưu tiên.
Theo Cục CSGT, hành vi điều khiển phương tiện lưu thông trong làn dừng khẩn cấp là rất nguy hiểm vì làn dừng khẩn cấp để các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc khi gặp sự cố để dừng đỗ trong khi chờ lực lượng cứu hộ và làn dừng khẩn cấp chỉ cho phép các phương tiện ưu tiên như xe cứu hỏa, cứu thương, công an và các lực lượng đi làm nhiệm vụ được phép lưu thông.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Huy Thiêm - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác Đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (Vidifi) cho rằng, theo quy định về kỹ thuật, chiều rộng của làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3m đối với đường có tốc độ thiết kế 120km/h và 100km/h; tối thiểu 2.5m đối với đường có tốc độ thiết kế dưới 80km/h.
Theo đó, người lái sẽ chỉ được dừng ở làn đường này nếu gặp trường hợp khẩn cấp, như khi xe bị hư hỏng, thủng lốp xe; trục trặc phần rơ-moóc của xe, hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe, không thể tiếp tục lái xe. Khi di chuyển vào làn dừng xe khẩn cấp, người điều khiển phương tiện cần lưu ý bật đèn cảnh báo trong suốt quá trình cần hỗ trợ, quan sát các phương tiện xung quanh, chuyển làn tuần tự.
Bên cạnh đó, cần lưu ý một số thao tác khác như đỗ xe tại nơi thông thoáng, đặt biển cảnh báo, đánh lái xe về bên phải… để đảm bảo an toàn cho bản thân và phương tiện và giúp các phương tiện khác và cứu hộ dễ dàng nhận biết.
Theo quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển ôtô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
MINH HẠNH (báo lao động)
https://laodong.vn/ban-doc/xe-oto-bi-xu-ly-nhu-the-nao-khi-vuot-tren-lan-dung-khan-cap-gay-tai-nan-1341497.ldo