Trang chủTư vấn pháp luật
Tư vấn pháp luật
Cập nhật lúc 05:00 24/02/2023 (GMT+7)
Vất vả xin xác nhận cư trú, bạn đọc đề xuất nên tiếp tục dùng sổ hộ khẩu

Từ việc phải đi xin giấy xác nhận cư trú phiền hà, mất thời gian, nhiều bạn đọc đề xuất nên cho tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đến khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đồng bộ.

Vất vả xin xác nhận cư trú, bạn đọc đề xuất nên tiếp tục dùng sổ hộ khẩu
Nhiều ý kiến đề xuất được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Hữu Chánh

Theo quy định từ 1.1.2023 sổ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng, người dân xin học, đăng ký định mức điện nước, vay ngân hàng, mua bán tài sản,... chỉ cần xuất trình căn cước công dân gắn chip để chứng minh thông tin cư trú.

Tuy nhiên, ghi nhận của Lao Động cho thấy cho thấy, dù "khai tử" sổ hộ khẩu nhưng nhiều nơi ở Hà Nội, người dân khi đi làm thủ tục hành chính vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú để thay thế sổ hộ khẩu.

Điều này khiến nhiều người cảm thấy phiền hà, mất thời gian và rất khó chịu, nhất là phải xin giấy xác nhận cư trú khi đi đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân.

Hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ

Bạn đọc Nguyễn Văn Hưng cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là chủ trương phù hợp và cần thiết trong cải cách thủ tục hành chính. 

Phương thức mới này sẽ nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như quản lý vận hành chung của xã hội.

Tuy nhiên, suốt mấy chục năm qua, hệ thống hành chính, các giao dịch dân sự liên quan đến nơi cư trú của người dân phụ thuộc quá nhiều vào sổ hộ khẩu.

"Do đó, khi bỏ hộ khẩu, mọi việc dường như rất lúng túng. Khi cần giải quyết các công việc, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến nơi sinh, nơi ký thường trú... thì một số phường, xã không chấp nhận căn cước công dân gắn chíp mà bắt buộc phải xin "giấy xác nhận cư trú". Như vậy, lại phát sinh thêm thủ tục hành chính, thật mất công, mất thời gian, mà đôi khi giấy xác nhận đó phải 3-5 ngày mới được cấp, hỏng cả công việc..." - bạn đọc Nguyễn Văn Hưng viết.

 
Người dân làm thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Hữu Chánh

Bạn đọc Nguyễn Tùng dẫn chứng, khoảng 70% dân Việt Nam sống ở vùng nông thôn, phần nhiều còn lạc hậu về công nghệ thông tin, chính quyền xã, ấp vùng sâu vùng xa cũng vốn quen quản lý bằng giấy tờ.

"Bỏ sổ hộ khẩu, cải cách hành chính nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho xã hội, nhưng đến nay, một bộ phận đáng kể nhân dân và chính quyền cơ sở chưa thích nghi kịp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chính vì vậy bỏ sổ hộ khẩu mà chưa liên thông được dữ liệu khiến người dân và ngay cả chính quyền địa phương cũng rất lúng túng khi giải quyết thủ tục hành chính" - bạn đọc Nguyễn Tùng nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Lan cho rằng, dù đã bỏ sổ hộ khẩu nhưng đến nay sự đồng bộ, kết nối, chia sẻ các hệ thống cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức là chưa cao. Do vậy, nên chăng vẫn sử dụng sổ hộ khẩu để có thể xử lý công việc hành chính cho nhân dân đến khi dữ liệu được hoàn thiện, liên thông, kết nối đến từng xã, phường. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân và cơ quan chức năng cũng bớt vất vả.

"Với các cách thức và công cụ hiện có theo hướng dẫn, các cơ quan, tổ chức chỉ có thể xem được thông tin rất cơ bản khi kiểm tra từ căn cước công dân của người dân nộp vào. Phương thức quản lý dân cư mới vẫn khiến cơ quan, tổ chức, người dân luẩn quẩn khi phụ thuộc vào giấy xác nhận cư trú", bạn đọc Nguyễn Lan bình luận.

Đề xuất tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đến khi dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện, đồng bộ

Từ cách làm "chữa cháy" của các cơ quan hành chính là xin xác nhận cư trú, đã gây phiền hà, mất thời gian cho người dân, nhiều bạn đọc đề xuất nên tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu cho đến khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện và đồng bộ.

Bạn đọc Lê Quang Trung cho rằng, việc tiếp tục được sử dụng hộ khẩu là cần thiết, vì nó là căn cứ để chứng minh những người có tên trong hộ khẩu là thành viên trong gia đình, đỡ rắc rối khi phải đi giải quyết thủ tục hành chính.

Giấy xác nhận thông tin về cư trú. Ảnh: Hữu Chánh
Giấy xác nhận thông tin về cư trú chỉ có giá trị trong 30 ngày. Ảnh: Hữu Chánh

 

"Nếu CCCD chưa được khai thác liên thông thì cứ sử dụng sổ hộ khẩu chứ không nên yêu cầu người dân phải xin xác nhận cư trú. Bao giờ dữ liệu được đồng bộ, CCCD gắn chip phát huy hết vai trò của mình, thì hãy bỏ sổ hộ khẩu" - bạn đọc Lê Quang Trung đề xuất.

https://laodong.vn/ban-doc/vat-va-xin-xac-nhan-cu-tru-ban-doc-de-xuat-nen-tiep-tuc-dung-so-ho-khau-1151184.ldo

HỮU CHÁNH (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: