Ủng hộ cơ chế sàng lọc cán bộ "có lên - có xuống"
Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sàng lọc cán bộ công chức dựa trên nguyên tắc “có vào - có ra, có lên - có xuống”.
Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho bộ máy công quyền, cần được ủng hộ mạnh mẽ.
Cơ chế sát hạch định kỳ này sẽ giúp tránh được tình trạng bổ nhiệm xong thì ung dung "tại vị", làm lãnh đạo mãi cho đến hết nhiệm kỳ hoặc đến khi nghỉ hưu, bất chấp trình độ yếu kém hoặc điều hành không hiệu quả.
Thực tế, không ít trường hợp cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn giữ nguyên vị trí lãnh đạo chỉ vì thiếu cơ chế đánh giá và sàng lọc. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động của cơ quan, mà còn gây bất mãn trong đội ngũ nhân viên và mất niềm tin của nhân dân.
Nguyên tắc “có vào - có ra, có lên - có xuống” chính là lời giải để khắc phục những bất cập này. Ai làm tốt sẽ được ghi nhận, đào tạo thêm, thăng tiến.
Ai yếu kém, không phù hợp, phải nhường chỗ cho người khác. Đây là cách để đảm bảo mỗi vị trí đều được đảm nhận bởi người xứng đáng nhất.
Vấn đề nữa là trong nhiều năm qua, chuyện “lên chức” thường được xem là thành công cá nhân, còn “xuống chức” lại bị hiểu như một thất bại hay "án phạt".
Tâm lý này tạo ra áp lực không đáng có cho người làm việc, dẫn đến tình trạng cố gắng giữ ghế bằng mọi cách, thay vì tập trung làm tốt công việc được giao.
Cơ chế sàng lọc định kỳ sẽ dần hình thành nếp suy nghĩ mới: chuyện “lên xuống vào ra, có chức, mất chức” là bình thường. Quan trọng nhất là hiệu quả công việc và đóng góp thực chất của từng cá nhân. Điều này không chỉ thúc đẩy cán bộ phấn đấu, mà còn giúp bộ máy hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc sát hạch định kỳ, đề xuất xây dựng cơ chế bồi dưỡng, tuyển chọn nhân lực chất lượng cao ngay từ môi trường học tập là một chiến lược dài hạn. Đây là cách để tìm ra những người trẻ có tiềm năng, đưa họ vào quy trình đào tạo bài bản và phát triển thành đội ngũ kế cận.
Cơ chế này cũng giúp khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” khi nhân tài thường lựa chọn khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài làm việc thay vì cống hiến cho bộ máy nhà nước.
Đãi ngộ phù hợp, cơ hội phát triển rõ ràng, cùng một môi trường làm việc minh bạch, công bằng sẽ là lời mời gọi hấp dẫn cho người tài.
Ủng hộ cơ chế sàng lọc cán bộ công chức không chỉ là ủng hộ một chính sách mới, mà còn là ủng hộ cho một tư duy quản trị hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Cơ chế sàng lọc này sẽ là công cụ hữu hiệu, cần thiết để xây dựng một nền hành chính công bền vững, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước trong "kỷ nguyên mới"!
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ung-ho-co-che-sang-loc-can-bo-co-len-co-xuong-1440777.ldo
Hoàng Văn Minh (BÁO LAO ĐỘNG)