Thời sự
Cập nhật lúc 03:09 12/07/2025 (GMT+7)
Từ lương tối thiểu vùng tới lương đủ sống

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 là 7,2%, bắt đầu áp dụng từ ngày 1.1.2026. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Mạnh Khương - Chủ tịch Hội đồng - đánh giá là “rất phù hợp với giai đoạn hiện nay trong việc phát triển kinh tế của đất nước”.

Đây không chỉ là một quyết định mang tính kỹ thuật mà còn mang nhiều tầng ý nghĩa - cả với người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tại các đô thị lớn tăng nhanh, đặc biệt là giá thuê trọ, thực phẩm và dịch vụ y tế, thì việc tăng lương tối thiểu vùng không chỉ là điều chỉnh tiền lương - mà là cứu cánh thiết thực cho đời sống công nhân, lao động phổ thông.

Theo thống kê, đa số người lao động trong khu vực tư nhân, đặc biệt tại các khu công nghiệp, vẫn nhận mức lương tiệm cận hoặc nhỉnh hơn một chút so với lương tối thiểu. Việc tăng thêm 7,2% có thể không làm người lao động thay đổi đột ngột mức sống, nhưng giúp họ có thêm dư địa, giảm áp lực chi tiêu.

Đáng chú ý, mức tăng 7,2% lần này còn cao hơn mức tăng 6% của năm 2024, thể hiện nỗ lực rõ rệt trong lắng nghe và đồng hành cùng người lao động.

Với doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu vùng luôn là bài toán “đầu vào” gây áp lực, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, nhìn ở chiều dài phát triển, đây là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng suất và chính sách nhân sự.

Trong bối cảnh thị trường lao động đang cạnh tranh mạnh mẽ giữa các địa phương, việc duy trì mức lương thấp sẽ dẫn tới chảy máu nhân lực, tăng tỉ lệ nghỉ việc, mất ổn định sản xuất. Bài toán không còn là cắt giảm lương - mà là nâng cao hiệu quả, đầu tư công nghệ và tạo môi trường làm việc tốt để giữ người.

Tăng lương tối thiểu vùng không chỉ là câu chuyện về ví tiền, mà còn là câu chuyện về giá trị con người trong nền kinh tế. Lương tối thiểu vùng là ranh giới thể hiện cam kết Nhà nước trong bảo vệ lao động yếu thế khỏi bị bóc lột. Khi lương tối thiểu được điều chỉnh kịp thời với thị trường, niềm tin xã hội tăng lên, người lao động yên tâm cống hiến, giảm xung đột lao động.

Tuy vậy, mức tăng 7,2% cũng đặt ra kỳ vọng lớn hơn: Bao giờ lương tối thiểu vùng sẽ tiến tới mức “lương đủ sống” - chứ không chỉ là mức sàn tồn tại?

Tăng lương cần đi cùng tăng bảo hiểm, giảm chi phí y tế - giáo dục - nhà ở và đặc biệt là kìm hãm tăng giá bất hợp lý thì mới mang lại sự an cư thật sự.

Mỗi lần tăng lương tối thiểu vùng không đơn thuần là điều chỉnh con số, mà là một thông điệp chính sách: “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Mức tăng 7,2% cho năm 2026 là một bước tiến tích cực, thể hiện sự đồng thuận cao trong bảo vệ người lao động. Nhưng chừng đó chưa đủ. Cần tư duy mới, cơ chế minh bạch và quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn để hướng tới một nền kinh tế phát triển toàn diện - nơi người lao động không chỉ đủ sống, mà được sống một cách xứng đáng, đúng với công sức và giá trị mà mình đã tạo ra.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tu-luong-toi-thieu-vung-toi-luong-du-song-1538773.ldo

HOÀNG LÂM (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: