Trình Quốc hội nhiều cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư đường sắt
Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trình Quốc hội có nhiều điểm mới, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư đường sắt.
Tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 27.5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt.
Dự thảo Luật bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, bao gồm việc huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong đó, có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).
Đồng thời, bổ sung quy định địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Dự thảo luật đã bổ sung các quy định được áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi; cho phép UBND cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không phải thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo Luật cũng lược bỏ quy định đối với 20% số lượng thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh so với Luật Đường sắt hiện hành để đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc bổ sung các quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương.
Điều này cũng góp phần hiện thực hóa Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về việc đẩy nhanh tiến trình đầu tư, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM vào năm 2035...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh: Quochoi.vn
Thẩm tra về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh sự cần thiết sửa luật, song đề nghị rà soát các quy định, bảo đảm nguồn lực tài chính và nhân lực cho việc tổ chức thực hiện.
Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, về cơ bản dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá cho ngành, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn mức độ “đột phá” thực sự của các cơ chế, chính sách này, đặc biệt là khả năng thu hút mạnh mẽ đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực đường sắt.
Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các quy định trong dự thảo Luật và các văn bản kèm theo, bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Về việc thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, thể chế hoá để đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực đường sắt thời gian tới, ví dụ như công nghệ điều khiển tàu không người lái, cơ chế thử nghiệm một số hình thức tàu đường sắt mới (như tàu đệm từ, tàu trong ống chân không)…
Khẳng định đường sắt là một loại hình vận tải chiến lược, có vai trò then chốt gắn với an ninh quốc gia, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng các yếu tố liên quan, đảm bảo quốc phòng an ninh.
https://laodong.vn/thoi-su/trinh-quoc-hoi-nhieu-co-che-khuyen-khich-tu-nhan-tham-gia-dau-tu-duong-sat-1513666.ldo
Vân Trang (BÁO LAO ĐỘNG)