Trao chiếc cần câu làm động lực cho người dân Krông Năng thoát nghèo bền vững
Đắk Lắk - Nhận được bò sinh sản, nhiều hộ dân ở huyện Krông Năng đã cố gắng chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập với mong muốn sớm được thoát nghèo bền vững.
Bò sinh sản được xem là chiếc cần câu hỗ trợ nhiều hộ dân ở huyện Krông Năng sớm thoát nghèo bền vững. Ảnh: Bảo Trung
Động lực thoát nghèo từ việc được cấp bò sinh sản
Nhà đông con, chồng không có thu nhập ổn định, những năm qua hoàn cảnh nghèo đói cứ quấn lấy gia đình chị H'Pher Mlô, ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Cuối năm 2024, gia đình chị cùng với 14 hộ nghèo khác đã được chính quyền địa phương hỗ trợ trao tặng bò sinh sản (từ chương trình mục tiêu quốc gia).
Bò sinh sản của gia đình chị H'Pher Mlô phát triển tốt. Ảnh: Bảo Trung
Chị H'Pher Mlô chia sẻ: "Nghe tin gia đình sẽ được cấp bò sinh sản, gia đình tôi mừng lắm. Tôi và chồng bàn bạc bỏ ra 5 ngày công và xin các vật liệu về làm chuồng trại cho bò.
Sau 5 tháng được cán bộ địa phương hướng dẫn chăm sóc, bò của gia đình phát triển tốt và sắp sinh sản. Tôi mong bò sớm sinh sản nhằm nâng tổng số đàn bò để gia đình có điều kiện cải thiện kinh tế".
Lãnh đạo UBND xã Ea Hồ luôn dành thời gian quan tâm, hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn huyện các kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế. Ảnh: Bảo Trung
Thực tế cho thấy, mong muốn lớn nhất của các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi tiếp nhận bò sinh sản là phát triển tốt kinh tế hộ gia đình, sớm có thu nhập bền vững.
Để cụ thể hóa ước mơ thoát nghèo của bà con, đầu tháng 5.2025, Phòng Dân tộc và Tôn giáo đã tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản (thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình 1719).
Hội nghị được triển khai tại địa bàn các xã Cư Klông (49 hộ), xã Ea Tam (48 hộ), xã Ea Puk (52 hộ), xã Ea Dăh (84 hộ), xã Ea Hồ (108 hộ), Xã DliêYa (114 hộ).
Tại hội nghị, bà con trong huyện đã được trang bị những kiến thức, hành trang cần thiết để phát triển chăn nuôi hộ gia đình.
Qua khảo sát tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, bò sinh sản được người dân chăm sóc bò rất tốt, sinh trưởng nhanh và sớm cho ra đời nhiều bê con.
Nhiều hộ dân ở vùng đặc biệt khó khăn trồng cây cà phê để cải thiện kinh tế gia đình. Ảnh: Bảo Trung
Ông Hồ Minh Tuy - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Krông Năng - nhận định: "Phát triển chăn nuôi trâu, bò nói chung, đặc biệt là chăn nuôi bò cái sinh sản là một trong những biện pháp tốt nhất để sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động nông thôn. Từ đó, nâng cao hiệu quả của chăn nuôi, từng bước giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo tiến tới làm giàu".
Nhờ cần cù, chịu khó, nhiều hộ nghèo ở huyện Krông Năng đã có cuộc sống khá hơn. Ảnh: Bảo Trung
Tăng tốc giải ngân nguồn vốn mục tiêu quốc gia
Theo UBND huyện Krông Năng, thời gian qua, đơn vị đã tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Đặc biệt là các nguồn vốn thực hiện các tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia các năm 2023, 2024 được phép kéo dài sang năm 2025. Trong đó, tập trung khắc phục những tồn tại vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đã đề ra.
Trong tương lai, các xã ở huyện Krông Năng tiếp tục đặt mục tiêu kéo giảm số hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh: Bảo Trung
Lãnh đạo UBND huyện Krông Năng chia sẻ, mục tiêu của năm 2024 và 2025 của huyện là giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương và sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các hộ tái nghèo hay phát sinh nghèo mới.
Với những quyết tâm, nỗ lực và thành quả đã đạt được trong 3 năm qua, huyện tin tưởng sẽ cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần cho nhiều người dân, nhất là những hoàn cảnh ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Nỗ lực của huyện nhằm hiện thực hóa muc tiêu đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
https://laodong.vn/xa-hoi/trao-chiec-can-cau-lam-dong-luc-cho-nguoi-dan-krong-nang-thoat-ngheo-ben-vung-1506512.ldo
BẢO TRUNG (BÁO LAO ĐỘNG)