Thời sự
Cập nhật lúc 08:52 23/05/2025 (GMT+7)
TPHCM tính kéo metro vươn xa đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh

TPHCM - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đề xuất nối dài các tuyến metro không chỉ đến Bình Dương, Đồng Nai mà còn đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.

TPHCM tính kéo metro vươn xa đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành thương mại từ ngày 22.12.2024. Ảnh: Anh Tú

Đề xuất được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM, ngày 22.5.

Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc quy hoạch và phát triển hệ thống đường sắt đô thị liên vùng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh TPHCM đang trong quá trình hợp nhất với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thành phố cần quy hoạch lại, nối dài các tuyến metro không chỉ đến Bình Dương, Đồng Nai mà còn đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu. Ảnh: Việt Dũng

Hiện TPHCM và các tỉnh đang tích cực xúc tiến các tuyến metro kết nối liên vùng. Dự án metro đầu tiên nối TPHCM - Bình Dương đang được nghiên cứu, bắt đầu từ ga Suối Tiên (TP Thủ Đức), thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến nhà ga S1 tại Thành phố mới Bình Dương, với tổng chiều dài 32,4 km.

Tuyến này thiết kế tốc độ 120 km/h, tổng vốn đầu tư hơn 64.370 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành vào năm 2031.

Tỉnh Đồng Nai cũng đang nghiên cứu kéo dài tuyến Metro số 1 đến Trảng Bom, với mức đầu tư dự kiến 34.719 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, phát triển metro không đơn thuần là giải pháp giao thông mà còn là chiến lược phát triển đô thị toàn diện theo mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng).

Tuy nhiên, không có quốc gia nào phát triển hệ thống đường sắt đô thị hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể đáp ứng và cũng không hiệu quả.

Do đó, cần kết hợp đa dạng nguồn vốn gồm ngân sách trung ương, địa phương, vốn ODA, huy động doanh nghiệp tư nhân, cả trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Được cũng nhấn mạnh việc cần tính toán kỹ lưỡng khi sử dụng vốn ODA để tránh lặp lại những hạn chế như các dự án trước đây.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, trong quá trình hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM đang đứng trước cơ hội lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. “Chúng ta cần triển khai với tư duy mới, tầm nhìn mới trong điều kiện và bối cảnh mới” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu phiên họp. Ảnh: Việt Dũng

TPHCM định hướng mở rộng hệ thống đường sắt đô thị không chỉ về hướng Bình Dương, Đồng Nai mà còn ra biển theo trục Cần Giờ, tạo trục phát triển chiến lược trong tương lai.

Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu khẩn trương rà soát, cập nhật lại quy hoạch giao thông trong điều kiện mới, đồng thời hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình phát triển mạng lưới metro.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2035, TPHCM sẽ đầu tư xây dựng 7 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 355 km, đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng.

Giai đoạn tiếp theo từ 2035 đến 2045, thành phố dự kiến mở rộng thêm 155 km metro, nâng tổng chiều dài toàn hệ thống lên khoảng 510 km.

Sau tuyến Metro số 1, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến khởi công vào tháng 12.2025.

Tuyến này dài hơn 11 km, trong đó có 9,2 km đi ngầm, phần còn lại là đoạn trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (quận 12).

Tuyến metro này gồm 9 ga ngầm và 1 ga trên cao, khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối khu trung tâm với các khu vực phía Tây Bắc thành phố.

https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-tinh-keo-metro-vuon-xa-den-ba-ria-vung-tau-tay-ninh-1511117.ldo

MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: