Tín dụng xanh cần cơ chế riêng cho khu công nghiệp xanh
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) cho rằng cần có cơ chế chính sách riêng cho tín dụng xanh tại khu công nghiệp xanh.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước tại diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh”. Ảnh: Nguyễn Linh
Cần có cơ chế riêng cho tín dụng xanh tại KCN
Tại diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 9.5 do Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 9 tổ chức, các đại biểu đã đánh giá tình hình triển khai KCN xanh, phân tích thực trạng tín dụng xanh cho KCN xanh, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển KCN xanh bền vững.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tín dụng xanh không chỉ liên quan đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến cạnh tranh kinh tế quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu. Trong đó doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để tồn tại và phát triển. Ngoài ra, khu công nghiệp xanh chính là then chốt trong phát triển kinh tế xanh, vì vậy cần làm rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí, nguồn lực và cơ chế chính sách để phát triển khu công nghiệp xanh.
Theo ông Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng cũng đã có những bước tiến trong tín dụng xanh nói chung, nhưng cần có cơ chế chính sách riêng cho khu công nghiệp xanh. Cần phân tích rõ nhu cầu vốn, quy mô, vai trò của vốn ngân hàng và các chính sách hỗ trợ khác.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 9 cũng cho biết chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. Khu vực 9, bao gồm Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 9 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi. Một số ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều sản phẩm tín dụng xanh.
Tuy nhiên, quy mô tín dụng xanh vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu. Các thách thức bao gồm thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn cho các dự án xanh, việc thiếu danh mục phân loại xanh, hạn chế trong đào tạo cán bộ ngân hàng về thẩm định rủi ro môi trường và nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về tín dụng xanh. Để tín dụng xanh thực sự là động lực cho chuyển đổi xanh, cần có các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn, tăng tỉ trọng tín dụng xanh, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ, hoàn thiện khung pháp lý, và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Linh
Thách thức cho "xanh hóa" khu công nghiệp
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp xanh (KCN xanh) là xu hướng tất yếu. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển KCN xanh từ năm 2014, với một số địa phương tiên phong như Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện nay chỉ khoảng 1-2% trong số 290 KCN đang hoạt động trên cả nước đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình sinh thái/xanh. Trong đó Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 2 đến 3 KCN sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và thực hiện cộng sinh công nghiệp nhưng việc xây dựng KCN xanh đòi hỏi đầu tư đáng kể vào hạ tầng, công nghệ và quản lý môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn về tài chính cho doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tín dụng xanh không chỉ liên quan đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến cạnh tranh kinh tế quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu. Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để tồn tại và phát triển. KCN xanh chính là then chốt trong phát triển kinh tế xanh, vì vậy cần làm rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí, nguồn lực và cơ chế chính sách để phát triển khu công nghiệp xanh.
https://laodong.vn/kinh-doanh/tin-dung-xanh-can-co-che-rieng-cho-khu-cong-nghiep-xanh-1504063.ldo
Nguyễn Linh (BÁO LAO ĐỘNG)