Thời sự
Cập nhật lúc 03:30 24/02/2025 (GMT+7)
Tiếp tục đầu tư để có thêm 2 cửa khẩu quốc tế

Cao Bằng - Địa phương đang lên kế hoạch đầu tư hạ tầng để nâng cấp một số cặp cửa khẩu trên địa bàn.

Tiếp tục đầu tư để có thêm 2 cửa khẩu quốc tế

Hạ tầng chưa đồng bộ

Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng sẽ có ba cửa khẩu quốc tế: Lý Vạn (Việt Nam) - Thạc Long (Trung Quốc), Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc) và Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc).

Hiện tại, trên toàn tuyến biên giới giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chỉ có một cặp cửa khẩu quốc tế là Trà Lĩnh - Long Bang.

Các cửa khẩu Lý Vạn và Tà Lùng vẫn chưa thể nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, chủ yếu do hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Nhà liên hợp tại khu vực của khẩu Lý Vạn và Trạm kiểm soát Bản Khoòng đều xây dựng từ lâu không đạt chuẩn. Ảnh: Tân Văn.
Nhà liên hợp tại khu vực cửa khẩu Lý Vạn và Trạm kiểm soát Bản Khoòng đều xây dựng từ lâu không đạt chuẩn. Ảnh: Tân Văn

Ghi nhận thực tế ngày 24.2 cho thấy, tại khu vực cửa khẩu Lý Vạn (huyện Hạ Lang), mới chỉ có Cổng Quốc môn cùng một số hạ tầng kỹ thuật cơ bản như sân bãi, đường giao thông, hệ thống thoát nước, chiếu sáng và cảnh quan khu vực cửa khẩu. Nhà trạm kiểm soát liên hợp, được xây dựng từ năm 2013, hiện không đáp ứng đủ diện tích để bố trí dây chuyền kiểm tra, kiểm soát và các trang thiết bị phục vụ hoạt động giám sát.

Đầu tư xây mới hạ tầng

Khu vực lối mở Bản Khoòng đã được đầu tư nhà làm việc cho các lực lượng chức năng và tuyến đường từ Bản Khoòng vào mốc 854. Tuy nhiên, khoảng hơn 30m đường tiếp giáp với biên giới vẫn chưa được đấu nối do vướng mắc thủ tục liên quan đến công trình biên giới.

Ngoài Cổng Quốc môn được xây mới, từ lâu cửa khẩu Lý Vạn ít được đầu tư xây dựng các hạng mục kỹ thuật. Ảnh: Tân Văn.
Ngoài Cổng Quốc môn được xây mới, từ lâu cửa khẩu Lý Vạn ít được đầu tư xây dựng các hạng mục kỹ thuật. Ảnh: Tân Văn

Tại cửa khẩu Tà Lùng, hệ thống đường giao thông đã được đầu tư từ lâu, nhưng đến nay nhiều vị trí đã xuống cấp, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, đèn chiếu sáng hư hỏng. Hạ tầng kỹ thuật tại các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cũng đã bị xuống cấp ở một số hạng mục.

Các công trình phục vụ công tác quản lý nhà nước như Nhà trạm kiểm soát liên hợp, Văn phòng Quản lý cửa khẩu, Chi cục Hải quan, Nhà kiểm soát liên hợp đầu cầu II -cửa khẩu Tà Lùng... về cơ bản vẫn đảm bảo điều kiện vận hành. Tuy nhiên, đáng chú ý là dòng chữ "Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng" đã được gắn trên công trình phía Việt Nam từ lâu, nhưng thực tế đây mới chỉ là công bố đơn phương của Việt Nam, chưa được phía Trung Quốc công nhận do hạ tầng chưa đáp ứng tiêu chuẩn.

Cửa khẩu Tà Lùng vẫn đang trong quá trình xây dựng hạ tầng để được nâng lên quốc tế. Ảnh: Tân Văn.
Cửa khẩu Tà Lùng vẫn đang trong quá trình xây dựng hạ tầng để được nâng lên quốc tế. Ảnh: Tân Văn

Liên quan đến vấn đề hạ tầng kể trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch khu cửa khẩu Lý Vạn. Ông yêu cầu sớm khảo sát, đưa ra phương án đầu tư các hạng mục quan trọng như đấu nối giao thông, cấp điện, cấp nước cho khu vực lối thông quan Bản Khoòng, xây dựng nhà trạm kiểm soát liên hợp và nâng cấp hạ tầng khu vực cửa khẩu.

Cửa khẩu quốc tế duy nhất tính tới thời điểm 2.2025 của Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn.
Cửa khẩu quốc tế duy nhất tính tới thời điểm 2.2025 của Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn

UBND tỉnh Cao Bằng cũng nhất trí với đề xuất đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối hai khu tái định cư tại thị trấn Tà Lùng, đồng thời thu hồi diện tích đất hai bên cầu II - cửa khẩu Tà Lùng để xây dựng thêm hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

Trước đó, vào sáng 2.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lần kiểm tra tiến độ thực hiện giai đoạn 1 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã nhất trí chủ trương đầu tư hai tuyến kết nối từ tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh đến cửa khẩu Tà Lùng và thành phố Cao Bằng.

2 tuyến đường này kỳ vọng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn đồng bộ, giúp giải quyết nút thắt, điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, khai thác không gian phát triển mới do dự án tạo ra, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, cửa khẩu thông minh.

https://laodong.vn/xa-hoi/tiep-tuc-dau-tu-de-co-them-2-cua-khau-quoc-te-1467849.ldo

TÂN VĂN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: