Thời sự
Cập nhật lúc 11:24 20/02/2025 (GMT+7)
Thay đổi phương pháp giảng dạy nếu áp dụng bài thi về an toàn giao thông

Hiện đề xuất bắt buộc phải có bài thi đối với học sinh về an toàn giao thông đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Ảnh: Công an cung cấp
Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Ảnh: Công an cung cấp

Cần áp dụng giảng dạy an toàn giao thông từ sớm

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông, trong đó 90% số vụ tai nạn liên quan đến học sinh. Trước những mối lo ngại về mất an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng để việc giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trên ghế nhà trường đạt hiệu quả, cần bắt buộc phải có bài thi đối với học sinh.

Đồng tình với đề xuất này, chị Nguyễn Thị Vân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện đang có con học tại Trường Tiểu học Đông Ngạc B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện nay tai nạn giao thông liên quan đến học sinh xảy ra ngày càng phố biến nên việc chú trọng về giáo dục về ATGT cho trẻ là vô cùng cần thiết.

"Cách đây mấy hôm, cạnh nhà tôi vừa xảy ra một vụ tại nạn do các cháu học sinh đùa nghịch lúc tan học, đột ngột chạy sang đường khi có các phương tiện xe đang di chuyển dẫn đến tai nạn. May mắn là chủ phương tiện phản ứng nhanh, kịp thời phanh gấp nên chỉ bị va chạm nhẹ với 2 xe máy đi cùng chiều mà không gây nguy hại tới các em học sinh. Tuy nhiên, từ sự việc như vậy có thể thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục về ATGT ngay từ trên ghế nhà trường.

Mặc dù, hiện nay các trường học đã có những chương trình giảng dạy về ATGT cho học sinh nhưng phần lớn là chương trình ngoại khóa và không đều đặn. Thêm vào đó, các con cũng được phát sách về ATGT nhưng gần như cả năm không thấy đem đi học. Cũng bởi vậy mà gia đình rất lo ngại về việc các con không có nhiều kiến thức về ATGT dẫn đến nhiều hệ lụy xấu khi tham gia giao thông" - chị Vân chia sẻ.

Chị Vân cho rằng, cần áp dụng giảng dạy về ATGT từ sớm cho học sinh và không thể dạy theo kiểu cho có, xong là cho qua, khiến các em không đọng lại được chút kiến thức nào về ATGT để áp dụng vào các tình huống cần thiết.

Thay đổi phương thức giảng dạy để phù hợp

Về vấn đề này, theo TS. Phan Lê Bình - Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng tại Đại học Việt - Nhật cho rằng, cần có các phương pháp dạy và kiểm tra kiến thức về ATGT khác nhau với mỗi cấp học. Trong đó, các cấp học như mầm non, tiểu học cần tập trung vào nhận biết; từ các cấp học cao hơn sẽ lồng ghép thêm yếu tố thực hành, gắn liền với các tình huống thực tế.

"Hiện nay, việc giảng dạy về ATGT đã được thực hiện tại một số trường học nhưng chưa đem lại hiệu quả cao do thiếu đi yếu tố thực tế và phần lớn bám vào sách vở. Điều này, không những không đem lại hiệu quả mà còn gây ra sự nhàm chán cho học sinh gây ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu kiến thức. Bởi vậy, cần sớm thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như áp dụng các bài kiểm tra để học sinh chú tâm hơn khi tiếp nhận những kiến thức từ ATGT" - ông Bình chia sẻ.

Không khó để bắt
Không khó để bắt gặp các trường hợp học sinh, sinh viên tham gia giao thông khi không đủ điều kiện. Ảnh: Tô Thế

Theo thông tin từ Luật sư Nguyễn Văn Phi - Phó Giám đốc Công ty Luật Lawkey, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 đã có quy định về giáo dục kiến thức pháp luật an toàn giao thông cho trẻ em từ cấp mầm non.

Tại Điều 6 của bộ luật này đã có quy định về việc các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo phải có trách nhiệm xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học, ngành học.

Bên cạnh đó, theo khoản 10 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP và khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, các cá nhân có hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy có thể bị phạt từ 8-10 triệu đồng, giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển xe ô tô có thể bị phạt từ 28-30 triệu đồng. Với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

"Không chỉ với các em học sinh mà ngay cả nhà trường và các bậc phụ huynh cũng cần nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý con em mình, không để các em sử dụng xe máy, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Việc này, không chỉ hạn chế bị phạt tiền mà còn để đảm bảo an toàn cho bản thân các em và những người xung quanh" - ông Phi nhấn mạnh.

https://laodong.vn/giao-duc/thay-doi-phuong-phap-giang-day-neu-ap-dung-bai-thi-ve-an-toan-giao-thong-1465588.ldo

HẠO THIÊN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: