Thấp thỏm phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025
Năm học 2024 - 2025 đánh dấu kỳ thi lớp 10 đầu tiên của học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hứa hẹn nhiều đổi mới. Tuy nhiên, khi năm học đã qua nửa chặng đường, học sinh lớp 9 vẫn mòn mỏi chờ đợi phương án tuyển sinh chính thức.
Dự kiến nhiều điểm mới
Theo thường lệ, kỳ tuyển sinh lớp 10 của các địa phương sẽ diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 hằng năm. Đa số địa phương tổ chức thi tuyển 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển sinh.
Riêng tại Hà Nội, theo quy định, từ năm 2019, thành phố sẽ tổ chức thi 4 môn bắt buộc để tuyển sinh vào lớp 10. Ngoài Toán và Ngữ văn, học sinh phải thi thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư, được Sở GDĐT công bố vào tháng 3. Việc này nhằm tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ, không đảm bảo chất lượng dạy và học.
Năm 2020, thành phố bỏ môn thứ 4 do dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Năm 2021, Hà Nội trở lại thi 4 môn, sau đó tiếp tục bỏ môn thứ 4 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2022 đến nay. Học sinh thi cố định 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Trong hai lần thi môn thứ 4, Lịch sử đều là môn được chọn.
Còn theo dự thảo quy chế tuyển sinh THCS, THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến, nếu áp dụng phương án thi, thì môn Toán và Ngữ văn là cố định, môn thứ ba (hoặc bài thi tổ hợp) do Sở GDĐT lựa chọn, công bố trước ngày 31.3 hằng năm.
Trong bối cảnh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có tỉ lệ cạnh tranh cao, việc chưa công bố phương án thi, khiến nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên trăn trở.
Tường Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội), cho biết, đã nắm vững kiến thức và có kỹ năng làm bài ổn định, nhưng vẫn lo lắng trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đồng quan điểm, chị Lưu Thanh Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - phụ huynh có con học lớp 9 bày tỏ sự lo ngại: "Việc đổi môn thứ 3 vào lớp 10 hằng năm sẽ tạo tâm lý không ổn định, chờ đợi, tăng áp lực cho học sinh".
Chủ động ôn tập
Hiện tại, dù Bộ GDĐT chưa "chốt" phương án chính thức, song việc ôn thi cho học sinh khối 9 vẫn được các trường triển khai theo kế hoạch.
Cô Nguyễn Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) - cho rằng, việc dạy học cho học sinh khối 9 hiện nay đang được triển khai theo đúng kế hoạch, yêu cầu của bộ. Trường không chú trọng vào riêng môn nào.
"Tuy nhiên, tâm lý chung của học sinh, phụ huynh, giáo viên là mong công bố sớm môn thi, để học sinh có thời gian nhất định ôn tập chuyên sâu, đạt kết quả tốt hơn" - cô Nhung chia sẻ, đồng thời khuyên phụ huynh, học sinh không nên quá lo lắng, tạo tâm lý áp lực.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - lại cho rằng, lâu nay cả thầy cô và học sinh vẫn giữ thói quen có thi thì mới dạy và học, bỏ các môn còn lại. Phương pháp dạy và học này đã lạc hậu, khiến học sinh không học, giáo viên cũng không có phương pháp để cuốn hút học sinh học môn học đó.
“Tôi cho rằng, phụ huynh không nên lo lắng học sinh phải học nhiều các môn mà hãy tạo động lực học tập cho các con. Kiến thức nào cũng biết sẽ là lợi thế sau này khi các con trưởng thành và phát triển bản thân” - TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Góp ý vào dự thảo thông tư của Bộ GDĐT, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, môn thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên cố định là môn tổ hợp kiến thức cơ bản của các môn tự nhiên và xã hội theo hình thức thi trắc nghiệm. Như vậy sẽ bảo đảm học sinh nắm được kiến thức tất cả các môn học. Cách học này sẽ giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản cần phải có ở bậc THCS.
https://laodong.vn/giao-duc/thap-thom-phuong-an-tuyen-sinh-lop-10-nam-hoc-2024-2025-1436249.ldo
Tường Vân (BÁO LAO ĐỘNG)